Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Nhạc sĩ Phạm Duy và đôi điều, ngày ấy...

Nhạc sĩ Phạm Duy đã về lại quê hương, những ngày cuối tháng 7, Cục nghệ thuật biểu diễn ký quyết định cho phép phổ biến trên toàn quốc 9 ca khúc của ông gồm: Bà mẹ Gio Linh, Tình ca, Nương chiều, Áo anh sứt chỉ đường tà (thơ Hữu Loan), Ngậm ngùi (thơ Huy Cận), Mộ khúc (thơ Xuân Diệu), Thuyền viễn xứ (thơ Huyền Chi), Ngày trở về, Quê nghèo. Qua những trang hồi ký của ông xin kể lại với độc giả đôi điều về lai lịch của một số nhạc phẩm nói trên.

Khúc hát Nương chiềuGiai đoạn tham gia kháng chiến, Phạm Duy gặp nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát ở Bắc Kạn, ông mô tả nhạc sĩ Khoát hơi gầy gò, chân đi đôi giày to tổ bố. Phạm Duy rất thích một số bản nhạc của Nguyễn Xuân Khoát như Tiếng chuông nhà thờ và đặc biệt là bài Gọi nghé (viết năm 1947) nó đẹp như 1 bức tranh sơn cước. Phạm Duy rất thích câu “a be nghé ơi...” nghe như tiếng gọi của đồi nương ban chiều và sau này khi viết nhạc phẩm “Nương chiều” ông đã nghĩ rất nhiều đến tiếng hát gọi nghé của nhạc sĩ Khoát. (Chương 15 Hồi ký II)

Trong thời kỳ lưu diễn ở vùng Cao-Bắc-Lạng (khoảng năm 1947-1948) Phạm Duy viết nên nhiều nhạc phẩm dân ca, trong đó có Nương chiều

“Chiều ơi. Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ
Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều
Chiều ơi, mái nhà sàn thở khói âm u
Cô nàng về để suối tương tư, ới chiều...”
Chuyện Người mẹ Gio Linh:

Năm 1948, Phạm Duy đính hôn với Thái Hằng mà người ủng hộ nhiệt tình chính là tướng Nguyễn Sơn, vị tướng nổi tiếng tại khu IV thời bấy giờ. Lúc ấy Phạm Duy công tác trong đoàn văn nghệ của trung đoàn 304. Sau chuyến công tác ở Hà Tĩnh, đoàn chia thành hai nhóm. Phạm Đôn dắt một nửa trở ra bộ tư lệnh quân khu IV. Phạm Duy cùng Bửu Tiến, Ngọc Khanh, Vĩnh Cường và một số đội viên khác đi về phía Nam, vào vùng đất Bình-Trị-Thiên khói lửa. Qua một vài nơi thuộc Quảng Bình, đoàn của Phạm Duy theo đường núi đến Quảng Trị. Vì dưới đồng bằng bấy giờ quân Pháp xây rất nhiều đồn canh, ban ngày cho quân lùng sục các làng mạc để khủng bố dân chúng, ban đêm lính Pháp ở trong đồn bắn ra bừa bãi. Sau khi ở trên núi vài ngày, nhóm của Phạm Duy đề nghị với chính quyền địa phương cho xuống đồng bằng, và một địa danh sẽ đi vào nhạc phẩm để đời của Phạm Duy, đó là một ngôi làng thuộc huyện Gio Linh.

Khi đến làng thì dân chúng không muốn tiếp xúc vì họ tưởng nhầm những người cộng tác với Pháp, dân làng mới vừa bị quân Pháp đến khủng bố. Sau khi biết được đoàn văn nghệ do tỉnh uỷ phái đến họ mới đón tiếp và kể cho nghe câu chuyện về 12 người mẹ. Trước đó lính Pháp đi tuần và bị vướng mìn, ăn đạn du kích làm chết một số tên. Chúng đã kéo tới làng để trả thù. Chúng tập trung dân làng lại và thấy 12 người mẹ bế trên tay 12 đứa con thơ. Chúng bắt dân làng phải khai ra nơi trú ẩn của du kích vừa gây thiệt hại cho chúng nếu không sẽ giết 12 người mẹ này. Vì không ai chịu khai cả cho nên chúng lôi 12 người mẹ đang bồng con thơ đó ra bờ sông, và ra lệnh cho 12 người mẹ ném con của họ xuống nước. Tất nhiên không ai làm theo cái lệnh dã man đó, vì vậy chúng đã bắn chết cả 12 người mẹ cùng con của họ. Ngoài chuyện 12 người mẹ hy sinh, dân làng còn kể cho Phạm Duy nghe câu chuyện của một bà mẹ ở làng kế bên có người con tham gia kháng chiến bị Pháp bắt chặt đầu treo giữa chợ. Không ai dám lấy đầu của anh xuống. Chỉ riêng bà mẹ của anh dám đến bỏ đầu con vào khăn mang về chôn cất. Nghe xong câu chuyện, Phạm Duy nhờ một anh dân quân đưa đến gặp người mẹ ấy. Đó là một người đàn bà với khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ nhưng lúc ấy Phạm Duy cảm ở bà nét đẹp như một vị thánh. Phạm Duy viết trong hồi ký rằng: “Tôi đã rợn người khi nghe bà kể lại câu chuyện của bà bằng một giọng nói rất bình thản. Rồi bà dẫn tôi đi qua một rặng tre để ra tới chợ là nơi ngày nào bà đã tới để lấy đầu con đem đi chôn... Tôi trở về nằm lăn trên một cái giường nứa ở một cánh rừng không tên trên chiến khu Quảng Trị, tôi đã khóc rưng rức và rồi ngồi dậy viết ra những câu ca đầu tiên của bài hát. Lúc đó tôi nghĩ tới mẹ tôi”. Câu chuyện về bà mẹ Gio Linh được Phạm Duy kết rằng sau khi hy sinh người con độc nhất cho kháng chiến, bà mẹ sẽ có hàng trăm người con nuôi là bộ đội.

Tôi yêu tiếng nước tôi...
Năm 1949, Phạm Duy cưới Thái Hằng làm vợ, giấy hôn thú ghi tên đầy đủ của bà là Phạm Thị Quang Thái. Đám cưới tổ chức tại chợ Neo, Thanh Hoá. Đến dự đám cưới có tướng Nguyễn Sơn, chính trị viên Nguyễn Kiện, văn sĩ Nguyễn Đức Quỳnh, kỹ sư Nguyễn Dực (con của nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh)... Sau đám cưới Phạm Duy, được nghỉ ngơi hoàn toàn để hưởng tuần trăng mật. Một buổi tối trăng sao vằng vặc, hai vợ chồng son đi dạo bên nhau trên con đường quê yên tĩnh. Phạm Duy ước mong cho cuộc kháng chiến sớm thành công để đưa người vợ mới cưới về khoe với mẹ (mẹ ông lúc ấy ở Hà Nội). Tác phẩm Ngày trở về đã lung linh hiển hiện trong tâm thức ông đêm ấy (chương 30 Hồi ký PD II).

Năm 1951, Phạm Duy cùng gia đình vào định cư ở Sài Gòn, trong một căn nhà nhỏ gần chợ khu vực Thị Nghè. Ông cộng tác với Đài phát thanh Pháp - Á và thành lập ban nhạc Thăng Long với Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh (Băng Thanh), Thái Hằng. Bản nhạc Tình ca được Phạm Duy viết trong giai đoạn này. Đó là thời kỳ mà ban Thăng Long rất được khán giả hâm mộ, lương của đài Pháp - Á cũng rất cao, 1200 đồng/tháng trong khi 1 bao gạo 100kg chỉ có 80 đồng. Ngày ấy, không những ghi đĩa, hát cho đài phát thanh mà Phạm Duy cùng với quái kiệt Trần Văn Trạch, Lê Thương cùng cộng tác tổ chức lối hát phụ diễn chiếu bóng. Nhóm các ông trình bày những chương trình tạp lục như đơn ca, hợp ca, ca hài hước... trước khi chương trình chiếu phim bắt đầu. Bản Tình ca được ca sĩ Anh Ngọc hát lần đầu tiên tại rạp Thanh Bình:
“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời...”

Bài Tình ca rất được mọi người yêu thích, nói đến quê hương, đất nước, con người, giọng nói. Cũng giai đoạn này, Huyền Chi, một cô gái bán vải ở chợ Bến Thành, tác giả của bài thơ Thuyền viễn xứ giao bài này cho Phạm Duy phổ nhạc. Những ngày cuối năm 1953, Phạm Duy qua con đường âm nhạc đã tích luỹ một lưng vốn để ung dung đi du học (1954). Thời ấy do nhiều yếu tố không chỉ thuần tuý kinh tế nên 1 đồng Đông Dương có mệnh giá tương đương với 17 Francs (gấp đôi hối suất thông thường). Ông đã gởi được nhiều đồng Franc qua Pháp và quyết định một chuyến viễn du.

Từ Sài Gòn ông đáp tàu La Marseillaise đến cảng Marseille nước Pháp. Những giờ phút trên tàu, tình hoài hương chợt đến để Phạm Duy soạn ra một bài hát với ý tưởng lãng du và tinh thần dân ca đó là Ngày trở về.

“Ngày trở về, anh bước lê
Trên quãng đường đê đến bên luỹ tre
Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè
Cười đón người về...”

Trong hồi ký III, ông có cho biết thêm chi tiết ngộ nghĩnh: ông soạn bài Ngày trở về khi tàu La Marseillaise đến gần Hồng Hải, ông viết bản thảo khi ngồi trên chuyến xe lửa xanh (Train Bleu), mà lại tưởng tượng đâu đó có dãy núi trắng (Mont Blanc). Tác phẩm Ngày trở về mang một tâm tư sâu đậm của tác giả. Lần thứ hai ông nói về hình tượng người thương binh. Xương máu đổ xuống cho nền độc lập có đóng góp của những con người cụ thể. Đó có thể là tâm tư những ngày ông sống trong lòng kháng chiến.
Nhạc sĩ Phạm Duy là người đa đoan, đa tài và dĩ nhiên... đa tình. Cái hay là ông bộc trực, thẳng thắn trong trang hồi ký. Ông kể về vết thương lòng thời tuổi 30..., về cô gái hai dòng máu Việt - Anh, về những điều làm bất cứ con người nào cũng biến thành niềm xúc cảm nếu được chút máu văn nghệ sĩ trong người hay xét cho cùng là con người đích thực. Từ Helene (Hệ Liên) rồi Alice là những tình yêu cao thượng. “Đừng lay tôi nhé cuộc đời xung quanh”. Giai đoạn ấy một người bạn của Phạm Duy gởi từ Pháp về một bài thơ mà chắc rằng ông đã phổ thành nhạc (Kiếp nào có yêu nhau - Hoài Trinh).

Thời ấy Phạm Duy cũng phổ rất nhiều bài thơ. Thành công lớn nhất có lẽ là bài “Ngậm ngùi, phổ thơ Huy Cận”. Ông ghi trong Hồi ký rằng Ngậm ngùi đã từng được nhạc sĩ Lê Thương cảm nhận và phổ nhạc từ những năm 1943-1944 và đặt tên là Tiếng thùy dương. Rất tiếc thời ấy không nhiều người biết đến!. Phạm Duy thì may mắn hơn (hay người yêu nhạc may mắn?). Ngậm ngùi khi được ông phổ nhạc năm 1961, qua tiếng hát Anh Ngọc rồi đến ca sĩ Lệ Thu đã được công chúng đón nhận say mê. Ngậm ngùi là một bài thơ giao thoa giữa Đường thi và lục bát Việt Nam. Nhiều thế hệ đã bị chinh phục khi nghe

“Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu (sầu?)

.........................

Ngủ đi em, mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thùy dương đôi bờ
Ngủ đi em, ngủ đi em...”
Năm 2000, trong một lần về nước Phạm Duy đã tặng Huy Cận một CD đặc biệt ghi âm bản nhạc Ngậm ngùi qua 16 giọng hát khác nhau làm Huy Cận rất cảm động.
  • Tạ Xuân Quan (Theo kienthucngaynay.vn)

0 nhận xét :