Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Phong cách Nguyễn Tuân

Nhà Văn Nguyễn Tuân
Hồi những năm 60 của thế kỷ trước, cửa hàng bia hơi mậu dịch Cổ Tân ở xế cửa Nhà hát lớn thành phố Hà Nội là một trong những hàng bia hơi đông khách nhất và được mang danh là “quán bia nghệ sĩ” vì có nhiều văn nghệ sĩ đến uống bia, trong đó có mấy vị thường xuyên “trồng cây si” ở đây như cố nhà văn Nguyễn Tuân, cố hoạ sĩ Hoàng Vĩnh Quý (con trai cố Bộ trưởng Bộ văn hoá Hoàng Minh Giám)...






Thời bao cấp, phương thức bán bia của cửa hàng này là: mọi người đến xếp hàng. Khi đến lượt, người mua trả 6 hào và được cô thu tiền tách ra 2 đồng sèng (nút chai bia đã đập phẳng), đục lỗ ở giữa rồi xâu vào một sợi dây thép căng từ nơi thu tiền đến chỗ lấy bia. Người mua đưa tay giữ và kéo 2 đồng sèng đó tới cuối dây. Người giao bia nhận sèng rồi đưa cho khách 2 vại bia đầy (cốc thuỷ tinh 500ml), khách tự bê bia ra bàn và tìm ghế ngồi uống. Về mùa đông, khách tương đối vắng, mỗi lần xếp hàng và lấy xong bia mất chừng 5 phút, nhưng mùa hè phải mất tới 15-20 phút. Hôm nào không may, xếp hàng gần đến nơi thì nhà hàng báo hết bia, vậy là khách tự giải tán với khuôn mặt ỉu xìu!

Riêng mấy vị “lão làng” như Nguyễn Tuân thì trên bàn nơi cụ ngồi, lúc nào cũng có vài vại bia đầy. Đó là bia của những vị khách mến mộ nhà văn, mua được 2 cốc bia đem đến “kính mời” nhà văn một cốc. Ai mời, nhà văn cũng nhận. Khi có người quen đến chào, nhà văn lại chỉ một cốc bia trên bàn và bảo:

- Uống đi rồi đi xếp hàng.

Một buổi chiều, tôi đến chào nhà văn rồi bảo:

- Thưa bác, bác mới có bài “Cốm”?

Nguyễn Tuân chỉ một cốc bia và phán:

- Thế mày thấy thế nào?

Uống xong ngụm bia, tôi thưa:

- Dạ, hình như không được bằng bài “Phở”.

Nguyễn Tuân chỉ vào cái ghế nhựa bảo:

- Ngồi xuống, tao nói cho mà nghe. Ngày xưa, để viết được bài “Phở”, tao phải mất 30 buổi tối. Cứ khoảng 9 giờ, lúc khách ăn phở đã vãn mà các rạp hát chưa tan, tao đến quán phở ở đầu ngõ Tạm Thương hàng Bông, gọi 3 xu cút rượu cuốc lủi (rượu nếp nấu lậu) và 2 xu xương (đã hầm nhừ làm nước phở). Tao ngồi ngất ngưởng, vừa nhăm nhi, vừa moi ông chủ gánh phở những bí quyết của cái nghề nấu món đặc sản Nam Định ấy. Uống hết rượu, tao gọi bát phở chín 5 xu, vị chi mỗi tối mất 1 hào. Sau 30 tối, tức mất 3 đồng tao mới viết được bài “Phở” để rồi được nhuận bút một đồng hai! Còn bây giờ, món cốm Vòng (một làng làm cốm nổi tiếng ở ngoại thành Hà Nội) đã mai một rồi, tao nhớ lại để viết bài “Cốm” lấy 8 đồng uống bia. Thế thì làm sao mà bằng bài “Phở” được!

Cuối năm 1972, Mỹ dùng máy bay B.52 ném bom, bắn phá Hà Nội, các cơ quan và nhân dân triệt để sơ tán, nhưng vẫn còn những bộ phận ở lại chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Chiều 24.12, tôi đạp xe từ nơi sơ tán về, xem Hà Nội đánh trả B.52 ra sao. Tổng thống Mỹ R.Nixon đã tuyến bố ngừng đánh phá nhân lễ Noel. Vượt cầu phao Bắc Cổ, tôi đạp xe tiếp. Đến gần Nhà hát lớn, thấy quán bia Cố Tân mở cửa, tôi rẽ vào. Nhà văn Nguyễn Tuân đang ngồi cùng anh Hoàng Vĩnh Quý. Vừa chào xong, bác Tuân chỉ vào ghế bảo:

- Uống đi, hôm nay không phải xếp hàng đâu! Tao vừa đến Hội nhà văn. Tao bảo ông thường trực: “Ông cho tôi mượn sổ danh sách hội viên”. Ông ta hỏi lại: “Thưa, để bác làm gì ạ?”. Mày biết tao trả lời ra sao không? Tao bảo: “À, để tôi gạch tên những đứa nào không đáng đi đưa đám tôi!”

Phong cách Nguyễn Tuân như vậy đó.

Hôm nay ghi lại hai mẩu chuyện nhỏ này để thắp một ném tâm nhang tưởng nhớ nhà văn “Vang bóng một thời” nhân dịp đầu Xuân.



Nguyễn Kim Hoạt (Theo Kiến Thức Ngày Nay 562)

0 nhận xét :