Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

"Phố Quảng màu lam" trong tranh Bùi Xuân Phái


Với mỹ thuật đương đại Việt Nam, đã có hẳn một dòng tranh "Phố Phái" đỉnh cao và đầy tự hào. Năm 1988, danh họa Bùi Xuân Phái qua đời. Trong những năm tháng sắp lìa bỏ cõi trần ấy, cụ đã có những chuyển đổi trong bút pháp hội họa, đặc biệt ở cách sử dụng gam màu. Ít người biết, dấu ấn ấy cụ có được một phần bắt đầu từ chuyến đi thực tế sáng tác tại Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1981. Bên cạnh "Phố Phái" cho Hà Nội còn có một "Phố Phái" khác để ngợi ca, tôn vinh con người và thiên nhiên xứ Quảng.
Lần đầu và duy nhất
Sau giải phóng miền Nam 1975, Vụ Mỹ thuật (Bộ Văn hóa - Thông tin) có chủ trương tập hợp các họa sĩ của hai miền qua việc tổ chức các trại sáng tác, tạo điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau và để các nghệ sĩ có tổ chức hoạt động nghệ thuật. Trại sáng tác năm 1981 do cố họa sĩ Hoàng Kim đứng ra tổ chức tại Quảng Nam - Đà Nẵng đã mời được ba bậc thầy hội họa của miền Bắc lúc bấy giờ tham gia là Nguyễn Văn Tỵ, Phan Kế An và Bùi Xuân Phái.
Chuyến đi thực tế sáng tác tại Quảng Nam - Đà Nẵng kéo dài 3 tháng. Với một người ngại di chuyển như họa sĩ Bùi Xuân Phái, đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời cụ đến thăm xứ Quảng.
Nói về chuyến đi này của cha mình, họa sĩ Bùi Thanh Phương viết: "Khi đặt chân tới Hội An, ông đã ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lôi cuốn của những khu phố cổ Hội An, nó khác hẳn với những khu phố cổ ở Hà Nội mà ông vẽ trước đó… Bầu trời lúc nào cũng xanh ngắt và nắng trải dài trên khắp đường phố... điều này đã có tác động và ảnh hưởng lớn đến cái nhìn và quan niệm nghệ thuật của ông với những bức họa vẽ về phố cổ mùa đông ở Hà Nội mà bầu trời lúc nào cũng xám và trĩu nặng tâm tư".
Là người tham gia công tác tổ chức trại sáng tác tại Quảng Nam - Đà Nẵng của Vụ Mỹ thuật lúc ấy, họa sĩ Đặng Thu Hương có dịp trao đổi, học hỏi nhiều về nghề với "bác Phái". Đã hơn 30 năm, chị Hương vẫn nhớ những buổi sáng được đi uống cà phê với bác Phái, buổi trưa luôn được bác đề nghị "Cho tôi xem tranh của cô" và những buổi tối được bác chiêu đãi kem bảy màu bằng tiền bồi dưỡng hội viên dự trại. Nhưng trên hết là ấn tượng về tinh thần lao động nghệ thuật say sưa hết mình của bậc danh họa. Chị đã thấy trước biển, ông nghiên cứu tỉ mỉ quy luật chuyển động từng con sóng, từng ngọn cây, gò cát… để thể hiện trên bức vẽ.
Phố cổ Hội An thời đó còn hoang vắng lắm. Dân tình rủ nhau tha hương cầu thực, nhiều dãy nhà gần như bỏ trống. Phòng Văn hóa cơ sở cho các họa sĩ mượn mấy chiếc bàn làm việc nằm thay giường.
Như được "rơi vào" đúng không gian yêu thích quen thuộc, họa sĩ Bùi Xuân Phái tràn đầy cảm hứng sáng tạo. Chị Đặng Thu Hương cho biết, riêng khu phố cổ Hội An, ông đã ký họa tới hai chục bức. Ngoài ra còn vài chục bức khác vẽ Đà Nẵng và biển.
Biển Mỹ Khê - sơn dầu của Bùi Xuân Phái.
Trong những bức vẽ ấy, chị Hương đặc biệt ấn tượng với bức ký họa chợ cá. Đó cũng là bức bác Phái mải miết vẽ trong một cái lều ở chợ cá bến Bạch Đằng của Đà Nẵng tới mức quên luôn bữa trưa. Chị bảo giờ vẫn tiếc vì khi ấy bác Phái đề nghị đổi bức ký họa tuyệt đẹp đó lấy tranh của chị, chị đã không dám nhận lời. Bây giờ thì chưa ai biết những bức họa ngày đó của bác Phái đã phiêu du tận đâu.
Một Bùi Xuân Phái riêng của xứ Quảng
Nhắc tới danh họa Bùi Xuân Phái, người ta nhớ "ông vua phố cổ" ở mảng tranh sơn dầu. Những dáng phố trong tranh cụ thường đìu hiu, mong manh kiểu "quán cóc liêu xiêu một câu thơ" trong cái se sắt của gió bấc, mưa phùn Bắc bộ. Có phải vì thế chăng mà vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước, có người gọi đùa lái tên ông là "Buồn Xuân Phố". Nhưng rồi chuyến đi thực tế tại Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1981 đã thổi một luồng cảm xúc khác trong tranh của ông.
Những năm 80 của thế kỷ trước, nhà điêu khắc Phạm Hồng về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Giai đoạn này, thành phố vừa giải phóng, lực lượng văn nghệ sĩ địa phương chưa nhiều, nhà điêu khắc Phạm Hồng đã kêu gọi các họa sĩ trong Nam ngoài Bắc tham dự một triển lãm chung tổ chức tại thành phố năm 1985.
Hơn 300 bức tranh đã góp mặt trong triển lãm ấy. Có những tên tuổi lớn của hội họa nước ta thời đó như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Lưu Công Nhân…
Với riêng Bùi Xuân Phái, nhà điêu khắc Phạm Hồng cho biết, ngoài các tác phẩm dự triển lãm, cụ còn nhiều ký họa rất đẹp, tràn đầy cảm xúc sinh động trước thiên nhiên và con người xứ Quảng. Những bức đó được vẽ trong và sau trại sáng tác năm 1981.
Hình như với danh họa đã thuộc từng "ngõ nhỏ", "phố nhỏ" Hà Nội, vùng đất miền Trung nhiều nắng gió, biển xanh và cát trắng đã thức dậy trong ông một diện mạo phố cổ không còn nhiều nỗi u hoài.
Họa sĩ Đặng Thu Hương chia sẻ: Mặc dù cũng là người đam mê vẽ phố, nhưng ngày ấy, khi xem các bức họa phố cổ Hội An của họa sĩ Bùi Xuân Phái, chị không dám đứng cạnh vẽ nữa mà chỉ đi theo xem "bác Phái" vẽ. Trong cảm nhận của chị, tranh bác Phái vẽ rất tình cảm, màu sắc trong sáng.
Trên Facebook cá nhân, con trai danh họa Bùi Xuân Phái, họa sĩ Bùi Thanh Phương viết: "Cũng từ năm này (1981), tranh phố cổ của ông đã chuyển sang gam mầu tươi sáng, bớt đi vẻ cô đơn, hiu hắt, phố của ông đã có đông người và mầu xanh lam được dùng nhiều hơn mầu ghi xám trước đó…. Đến thập niên 80, dường như tranh phố của ông muốn nói lời giã từ "buồn ơi ta xin chào mi" với thời kỳ Nâu, thời kỳ Xám.
Một ảnh hưởng nữa cũng tác động vào phong cách vẽ của ông trong thời kỳ Lam này là, những năm cuối đời (từ 80 đến 88) tất cả các người con của ông đã trưởng thành và độc lập, gánh nặng kinh tế gia đình không còn đè nặng trên vai ông như xưa nữa. Đất nước cũng bắt đầu chuyển động sang thời kỳ đổi mới, cùng lúc, khách ngoại quốc cũng đã bắt đầu được phép đến thăm xưởng vẽ và mua nhiều tranh của ông. Những năm về cuối đời, có thể nói, tác phẩm của Bùi Xuân Phái, phần nhiều đã lọt vào tay khách mua ngay từ khi bức tranh còn ướt sơn".
Trong cảm nhận về nghề, nhà điêu khắc Phạm Hồng cho biết ông rất ấn tượng với bút pháp của họa sĩ Bùi Xuân Phái giai đoạn này. Theo ông, có lẽ vì vẽ trực tiếp trước thiên nhiên nên tranh cụ Phái có những nét phóng khoáng, mạnh mẽ, dứt khoát, toát lên tinh thần riêng của đất, của biển.
Hiện tại, nhà điêu khắc Phạm Hồng còn giữ được một số bức tranh họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ trong giai đoạn đi thực tế sáng tác tại Đà Nẵng. Có những bức ông rất thích là bức vẽ sông Hàn và phố cổ Hội An. Đã có nhiều nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước đề nghị mua, nhưng ông không bán. Ông muốn giữ chúng lại như những tài sản quý giá cho bảo tàng thành phố Đà Nẵng khi thành lập sau này. Còn một điều này nữa hẳn không mấy người biết, sau khi danh họa Bùi Xuân Phái mất, Đà Nẵng chính là thành phố đầu tiên ở nước ta chọn tên cụ để đặt cho một con đường. Trong sự "đầu tiên" đó, hẳn là cũng có một chút duyên?

  •   Dương Kim Thoa

0 nhận xét :