Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Biện chứng giữa vật chất và ý thức trong hoạt động thực tiễn


Theo Lênin: Vật chất là “thực tại khách quan”, nghĩa là tất cả những gì có thuộc tính tồn tại khách quan không phụ thuộc vào ý thức, độc lập với ý thức đều thuộc về phạm trù vật chất. Vật chất tồn tại khách quan là tồn tại dưới dạng các sự vật, hiện tượng, các hệ thống vật chất như: thế giới vật chất vô cơ, hữu cơ và vật chất dưới dạng xã hội.

Vật chất dưới dạng xã hội, theo nghĩa chung nhất là tồn tại xã hội, là đời sống vật chất của xã hội; đó là các nhân tố vật chất (nhân tố khách quan) như: điều kiện hoàn cảnh vật chất, hoạt động vật chất của xã hội và các qui luật khách quan của xã hội.
Ý thức trong hoạt động thực tiễn, theo nghĩa chung nhất là ý thức xã hội, là đời sống tinh thần của xã hội; đó là các nhân tố tinh thần (nhân tố chủ quan) như tình cảm, ý chí, tư tưởng… hoặc là các lĩnh vực chính trị, pháp quyền, đạo đức… kể cả đường lối chính sách của một nhà nước hay sự phát triển của khoa học…
1. Vai trò quyết định của vật chất đối với ý thức
- Xuất phát từ quan điểm cho rằng vật chất có trước quyết định ý thức, ý thức, tinh thần là cái có sau, cái phụ thuộc vật chất. Vì vậy, toàn bộ hoạt động tinh thần của con người xét cho cùng đều là sự phản ánh hiện thực khách quan vao trong bộ não người và bị qui định bởi hoạt động thực tiễn của xã hội.
Ví dụ: nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của các học thuyết chính trị, pháp quyền, đạo đức nào đó, thì chúng ta phải căn cứ vào những điều kiện kinh tế - xã hội tương ứng của nó trên cơ sở quan điểm lịch sử cụ thể.
- Mọi sự biến đổi của nhân tố vật chất tất yếu dẫn đến sự thay đổi của ý thức, của nhân tố tinh thần. Trong hoạt động tinh thần của con người nói chung, kể cả ý thức cá nhân hay ý thức xã hội hoặc đường lối chủ trương chính sách của một nhà nước hay sự phát triển của khoa học cũng dựa trên cơ sở hiện thực khách quan, thì mới có thể làm cho khả năng khách quan trở thành hiện thực. Điều đó, cũng sẽ đúng nếu như chúng ta cho rằng đường lối phát triển kinh tế - xã hội của một chính đảng, một nhà nước đều phụ thuộc vào điều kiện khách quan nhất định.
- Tự thân nó, ý thức tư tưởng của con người không thể thực hiện được sự biến đổi nào trong hiện thực, nếu nó không thông qua các nhân tố vật chất. C.Mác từng nhấn mạnh rằng: chỉ có lực lượng vật chất đánh bại bởi một lực lượng vật chất. Vì vậy, mọi sự biến đổi của đời sống xã hội, xét cho cùng đều phụ thuộc vật chất, nhân tố vật chất.
2. Vai trò của ý thức đối với vật chất
- Xuất phát từ quan điểm cho rằng ý thức là tính thứ hai phụ thuộc vào vật chất và con người có khả năng nhận thức được hiện thực khách quan. Sự phản ánh của ý thức về hiện thực khách quan, không phải là sự phản ánh thụ động, đơn giản mà nó có tính năng động và sáng tạo. Vì vậy, ý thức, nhân tố tinh thần có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định mục đích, phương pháp hoạt động nói chung của con người.
- Trong các nhân tố tinh thần, sự phát triển của khoa học có tính vượt trước tồn tại xã hội, khẳng định vai trò của khoa học đối với sự phát triển của xã hội. Theo C.Mác: một khi lý luận xâm nhập vào hoạt động của quần chúng sẽ trở thành lực lượng vật chất trực tiếp. Về vấn đề này, V.I.Lênin cũng đã nhấn mạnh: không có lý luận cách mạng sẽ không có phong trào cách mạng.
- Trong những điều kiện khách quan nhất định, ý thức của con người có thể giữ vai trò quyết định đến kết quả của hoạt động thực tiễn. Điều này có nghĩa là ý thức, tư tưởng của con người với sự nhận biết đúng đắn và ý chí của mình, con nguời có thể phát huy được năng lực tối ưu của các nhân tố vật chất và nhân tố tinh thần trong những điều kiện khách quan nhất định để đạt được kết quả cao nhất trong hoạt động thực tiễn. Hẳn trong chúng ta cũng thường đặt ra những câu hỏi là tại sao trong những điều kiện khách quan nhất định nào đó mà ranh giới giữa cái chết và cái sống… có những con người có thể vượt lên chính mình bằng sức mạnh của lý trí, của niềm tin với nghị lực và bản lĩnh để làm một việc gì đó mà mọi người cho là không tưởng, nhưng lại thành công. Nhưng xét về quá trình lâu dài thì nhân tố vật chất bao gìơ cũng giữ vai trò quyết định đối với nhân tố tinh thần.
3. Ý nghĩa phương pháp luận và liên hệ thực tiễn hiện nay ở Việt Nam
- Ý nghĩa phương pháp luận
Thứ nhất, trong hoạt động nhận thức phải bảo đảm nguyên tắc tính khách quan trong sự xem xét. Đây là nguyên tắc cơ bản của phương pháp nhận thức biện chứng duy vật. Nguyên tắc này đòi hỏi xem xét các sự vật, hiện tượng không xuất phát từ ý muốn chủ quan, mà phải xuất phát từ đối tượng trên cơ sở hiện thực khách quan vốn có để phản ánh đúng đắn và xây dựng mô hình lý luận phù hợp với đối tượng. Nguyên tắc tính khách quan của sự xem xét là hệ quả tất yếu của quan điểm duy vật mácxít, khi giải quyết mối quan hệ giữa vật chất - ý thức, giữa khách quan - chủ quan.
Thứ hai, phát huy tính năng động, sáng tạo của ý thức phát huy nhân tố con người. Nguyên tác tính khách quan không những không bài trừ, mà trái lại còn đòi hỏi phải phát huy tính năng động, sáng tạo của ý thức. Tính năng động và sáng tạo của ý thức được thể hiện ngay từ khi con người xác định đối tượng, mục tiêu, phương hướng hoạt động cũng như việc lựa chọn cách thức, phương pháp thực hiện mục tiêu.
Thứ ba, trong hoạt động thực tiễn phải giải quyết đúng đắn giữa nhân tố khách quan và nhân tố chủ quan. Bởi vì, nghiên cứu mối quan hệ giữa vật chất và ý thức trong hoạt động thực tiễn, xét cho cùng là giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa đời sống vật chất, nhân tố vật chất và đời sống tinh thần, nhân tố tinh thần. Trong mối quan hệ biện chứng đó đời sống vật chất, nhân tố vật chất giữ vai trò quyết định; ngược lại đời sống tinh thần, nhân tố tinh thần có tính năng động và sáng tạo.
- Liên hệ thực thực tiễn hiện nay ở Việt Nam.
Từ lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và từ kinh nghiệm thành công, thất bại trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra bài học quan trọng là: “Mọi chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng qui luật hiện thực khách quan”.
Nguyên tắc này đòi hỏi chúng ta trong nhận thức và hành động phải xuất phát từ bản thân sự vật, từ hiện thực khách quan, phản ánh sự vật đúng với những gì vốn có của nó, không lấy ý muốn chủ quan của mình làm chính sách, không lấy ý chí chủ quan áp đặt cho thực tế, phải tôn trọng sự thật, tránh thái độ chủ quan nóng vội, phiến diện, định kiến… Yêu cầu của nguyên tác tính khách quan còn đòi hỏi phải tôn trọng và hành động theo qui luật khách quan.
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đảnh chủ trương: “Huy động ngày càng cao mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước, đ8ạ biệt là nguồn lực của dân vào công cuộc phát triển đất nước”. Đó là chính sách chiến lược về con người, về phát triển giáo dục và đào tạo...
Vì vậy, phải “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, thực hiện mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủa và văn minh”.

0 nhận xét :