Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Thực tiễn, vai trò của thực tiễn đối với nhận thức

1. Khái niệm thực tiễn

Thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất có mục đích, có tính chất lịch sử - xã hội của con người, nhằm cải tạo (biến đổi) thế giới khách quan (tự nhiên và xã hội).
Hoạt động của con người, về cơ bản có hai hình thức. Đó là hoạt động vật chất và hoạt động tinh thần. Trong đó, hoạt động vật chất là hoạt động thực tiễn.
- Hoạt động thực tiễn có ba hình thức cơ bản:
+ Hoạt động sản xuất vật chất là quá trình con người sử dụng công cụ lao động tác động vào hiện thực khách quan, cải biến các dạng vật chất cần thiết đáp ứng những nhu cầu của đời sống xã hội.
 Hoạt động sản xuất vật chất là cơ sở đối với sự tồn tại, vận động và phát triển của xã hội. Bởi, nó là nguồn gốc trực tiếp làm xuất hiện con người, ngôn ngữ và ý thức của con người. Hơn nữa, hoạt động sản xuất vật chất là nguồn gốc qui định sự hình thành, vận động, phát triển của các quan hệ xã hội… và có khả năng thoả mãn mọi nhu cầu của con người.
+ Hoạt động chính trị - xã hội là hoạt động của lực lượng xã hội nhằm cải biến quan hệ chính trị - xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển. Hoạt động chính trị - xã hội, xét về bản chất là hoạt động đấu tranh xã hội, mà chủ yếu được thể hiện trong quan hệ giai cấp, dân tộc quá trình đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc và nhân loại.
+ Hoạt động thực nghiệm khoa học là một hình thức đặc biệt của hoạt động thực tiễn, bao gồm thực nghiệm khoa học và thực nghiệm xã hội. Dạng hoạt động này có vai trò quan trọng trong quá trình (xác định) nhận thức và vận dụng các qui luật khách quan của con người. Đặc biệt, trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ hiện nay.
- Tính chất lịch sử của hoạt động thực tiễn gắn liền với quá trình hình thành, tồn tại, vận động và phát triển của con người và xã hội. Hoạt động thực tiễn được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và giữa các hình thức đó đều có sự liên hệ tác động qua lại lẫn nhau, nhưng luôn được xác định bởi những điều kiện lịch sử cụ thể.  
2. Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức
Thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích và là tiêu chuẩn của nhận thức.
- Thực tiễn là cơ sở, động lực của nhận thức.
Thông qua thực tiễn được thể hiện ở hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động chính trị - xã hội và hoạt động thực nghiệm khoa học thì nhận thức của con người được hình thành và phát triển. Đó cũng là quá trình con người tác động vào giới tự nhiên, xã hội làm giới tự nhiên, xã hội bộc lộ những thuộc tính, những tính qui luật để cho con người nhận thức.
Mọi tri thức, dù trực tiếp hay gián tiếp đối với các cá nhân và các thế hệ người, ở trình độ nhận thức kinh nghiệm hay nhận thức lý luận xét đến cùng đều có nguồn gốc và bị quyết định bởi thực tiễn. Ví dụ: quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt Nam đòi hỏi phải cải cách giáo dục đại học phải mở rộng và xây dựng thêm những ngành đào tạo mới phù hợp với thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh mở thêm ngành quản trị luật đã phản đúng xu hướng tất yếu của quá trình xây dựng nhà nước quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay ở nước ta. Hơn nữa, thực tiễn còn là quá trình con người sáng tạo ra những công cụ, phương tiện ngày một tốt hơn, để hỗ trợ có hiệu quả cho hoạt động nhận thức và phát triển hoàn thiện hơn năng lực nhận thức của con người.
Thực tiễn luôn đề ra nhu cầu nhiệm vụ và phương hướng phát triển của nhận thức. Nhu cầu thực tiễn đòi hỏi phải có tri thức mới, phải tổng kết kinh nghiệm, khái quát lý luận, nó thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các ngành khoa học. Các ngành khoa học ra đời chính vì chúng cần thiết cho hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động chính trị - xã hội và thực nghiệm khoa học của xã hội.  Ví dụ: thực tiễn cách mạng hiện nay ở nước ta đòi hỏi phái xã hội hoá giáo dục, để giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.
- Thực tiễn là mục đích của nhận thức.
Nhận thức không phải là sự phản ánh thụ động, đơn giản là giải thích về thế giới về con người mà phải phục vụ thực tiễn, chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Sự ra đời của các ngành khoa học và hệ thống lý luận của nó chỉ có ý nghĩa thật sự khi tri thức của khoa học được vận dụng vào thực tiễn, biến đổi giới tự nhiên xã hội và bản thân con người.
Ngày nay, công cuộc đổi mới xã hội với ở Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề mới và phức tạp trong việc chủ trương đa dạng hoá các thành phần kinh tế, vận động theo cơ chế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi lý luận phải đi sâu nghiên cứu những vấn đề đó. Theo đó, vấn đề giải quyết mâu thuẫn giữa các thành phần kinh tế trong cơ sở hạ tầng hiện nay ở Việt Nam cũng đòi hỏi lý luận phải đi sâu nghiên cứu, để khẳng định tính tất yếu của kinh tế quốc doanh giữ vai trò quyết định trong cơ sở hạ tầng xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt Nam.
- Thực tiễn là tiêu chuẩn của nhận thức.
Tính chân lý của lý luận chính là sự phù hợp của lý luận với hiện thực khách quan và được thực tiễn kiểm nghiệm. Do đó, mọi lý luận phải thông qua thực tiễn để kiểm nghiệm. Vì vậy, C.Mác đã khẳng định: “Vấn đề tìm hiểu xem tư duy của con người có thể đạt đến chân lý khách quan hay không, hoàn toàn không phải là vấn đề lý luận mà là vấn đề thực tiễn. Chính trong thực tiễn mà con người đã chứng minh chân lý”[1]. Thông qua thực tiễn, những lý luận đạt đến chân lý sẽ được bổ sung vào kho tàng tri thức của nhân loại; những những lý luận nào chưa phù hợp thực tiễn sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung hoặc nhận thức lại. 
3. Ý nghĩa phương pháp luận và liên hệ thực tiễn hiện nay ở Việt Nam
- Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức, đòi hỏi con người luôn phải quán triệt quan điểm thực tiễn trong hoạt động nhận thức.Quan điểm này yêu cầu việc nhận thức phái xuất phát từ thực tiễn, dựa trên cơ sở thức tiễn, đi sâu vào thực tiễn, phải coi trọng công tác tổng kết thực tiễn.
Thực tiễn là những vòng khâu của quá trình nhận thức, trong đó thực tiễn vừa là cơ sở, động lực, mục đích và là tiêu chuẩn của nhận thức, sự tiếp nối của nó trong các vòng khâu lớn hơn, cao hơn làm cho nhận thức càng đi sâu hơn nắm bắt được các bản chất và các qui luật của hiện thực khách quan, phục vụ cho hoạt động thực tiễn cho quá trình cải tạo hiện thực khách quan của con người.
- Quán triệt nguyên tắc sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong đường lối lãnh đạo của Đảng, nhà nước trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay đòi hỏi chúng ta phải tổng kết thực tiễn, đánh giá những thành tựu và hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Việc nghiên cứu lý luận phải liên hệ với thực tiễn chống lại những tư tưởng chủ quan, duy ý chí; giáo điều, quan liêu…
Thực tiễn phải được chỉ đạo lý luận, lý luận phải được vận dụng vào thực tiễn, tiếp tục bổ sung và phát triển trong thực tiễn.
Lý luận có khả năng định hướng mục tiêu, phương pháp, biện pháp thực hiện mục tiêu. Vận dụng lý luận luôn gắn liền với điều kiện lịch sử cụ thể. Thông qua thực tiễn, tiếp tục bổ sung và phát triển thêm lý luận.


[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr.10..

0 nhận xét :