Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Khúc hoan ca của một thời trai trẻ


Nếu chỉ được quyền chọn mười tác phẩm văn học của Việt Nam trong thế kỷ XX để mang theo vào thế kỷ XXI, bạn sẽ chọn những tập sách nào? Đã có câu hỏi đặt ra như vậy với Tế Hanh và ông nhà thơ lớn này đã không trù trừ khẳng định ngay: Ông chỉ chọn hai tác phẩm thôi, một văn, một thơ. Đó là tập "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân và tập "Thơ thơ" của Xuân Diệu.

Nếu chỉ được quyền chọn mười tác phẩm văn học của Việt Nam trong thế kỷ XX để mang theo vào thế kỷ XXI, bạn sẽ chọn những tập sách nào? Đã có câu hỏi đặt ra như vậy với Tế Hanh và ông nhà thơ lớn này đã không trù trừ khẳng định ngay: Ông chỉ chọn hai tác phẩm thôi, một văn, một thơ. Đó là tập "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân và tập "Thơ thơ" của Xuân Diệu.
Tôi không "mạo hiểm" như Tế Hanh khi quyết định chọn "Thơ thơ" làm "tập thơ thế kỷ", song nếu ai đó bảo tôi bỏ phiếu chọn lấy một tập thơ đặc sắc nhất của phong trào Thơ Mới, hẳn tôi cũng sẽ nghiêng về tác phẩm này.
Có thể với từng bài, trong thể hiện tư tưởng Xuân Diệu không có được cái mạch lạc, khúc chiết như ở "Nhớ rừng" của Thế Lữ; trong xúc cảm chưa gợi được sự bâng khuâng, mơ màng như ở "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư; trong giọng điệu chưa có được cái ngùi ngẫm, thấm thía như của Huy Cận ở "Tràng giang", và trong hình ảnh chưa có được chất liêu trai, gây ấn tượng mạnh như ở "Đây thôn Vỹ Dạ" của Hàn Mặc Tử. Nghĩa là theo kiểu "bó đũa chọn cột cờ" thì không phải ưu thế đã hoàn toàn thuộc về "Thơ thơ", nhưng xét về tổng thể thì không tập thơ nào của thời Thơ Mới tập trung được nhiều cái hay, cái lạ như ở tập thơ đầu tay của Xuân Diệu.
Quang cảnh buội hội thảo "Xuân Diệu - người tình si" do Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức.
Nói không sợ quá lời: Với "Thơ thơ" (1938) và sau này là "Gửi hương cho gió" (1945), Xuân Diệu ở một đẳng cấp khác hẳn, gần như không có đối thủ. Không phải ngẫu nhiên mà một thi sĩ từng có lúc ngông ngạo, coi trời bằng vung như Chế Lan Viên, khi đề tặng Xuân Diệu tập "Điêu tàn" đã có những lời lẽ hết sức khiêm cung: "Anh Xuân Diệu, sách của em đây. Anh nhận cho em, anh". Còn Hàn Mặc Tử thì viết bên lề tập "Gái quê" gửi tặng Xuân Diệu: "Tôi gửi tặng anh tập thơ của tôi, vì đọc thơ anh, tôi thấy nỗi khổ của tôi được xoa dịu nhiều lắm".
Bản thân nhà phê bình văn học Hoài Thanh, trong "Thi nhân Việt Nam", khi nói về Xuân Diệu đã phải dùng tới hai chữ "tối tân": "Người đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy".
Cái "y phục tối tân", cái "hình thức phương xa" mà Hoài Thanh nói tới chính là cách đặt câu, dùng chữ quá Tây của Xuân Diệu, từng khiến nhiều người choáng ngợp ngay khi thơ ông mới xuất hiện.
Tuy nhiên, xét cho cùng, mọi sự cách tân muốn chinh phục được đông đảo người đọc và chinh phục được một cách bền lâu thì không chỉ là cái mới, cái lạ thể hiện ở lối nói, mà cao hơn thế, nó phải thể hiện ở sự bứt phá của cái "tôi" cá nhân thi sĩ. Nghĩa là phải mới thực sự về "chất", chứ không phải chỉ ở "y phục". Mà đây thuộc về vấn đề thời đại, kết hợp với cá tính của chính tác giả. Hãy bỏ qua cái "tôi" thể hiện một cách quá ư ẩn khuất trong thơ cổ, ngay trong các nhà thơ cùng thời với Xuân Diệu, dù là đã "cựa quậy" lắm so với trước, song phần nhiều nó vẫn thể hiện trong một phong thái lịch sự, kín đáo, theo lối cổ truyền Á Đông. Xuân Diệu khác hẳn, cái "tôi" của ông bạo dạn, táo tợn lạ thường. Các động tác thể hiện trong thơ ông mới dữ dội làm sao: Nào là "cắn" ("Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi" - bài "Vội vàng"), là "bấu" ("Tôi kẻ đưa răng bấu mặt trời" - bài "Hư vô"), là ôm, là ghì ("Giơ tay muốn ôm cả trái đất/ Ghì trước trái tim, ghì trước ngực" - bài "Bài thơ tuổi nhỏ")…mà toàn là với thiên nhiên, tạo vật, với đấng Vĩ Đại.
Ví mình là "một cây kim bé nhỏ", trong khi "vạn vật là muôn đá nam châm", Xuân Diệu cho mình cái quyền được lả lơi, mơn trớn, được xô đẩy, được bị tác động bởi ngoại cảnh, bởi người đời, tình đời. Không rõ ai là người đầu tiên trong thơ Việt đề cập tới việc trai gái hôn nhau? Chỉ biết, ở thời Xuân Diệu, những câu như thế này của Hàn Mặc Tử đã được xem là "bạo" lắm rồi: "Làn môi mong mỏng tươi như máu/ Đã khiến môi tôi mấp máy thèm" (bài "Gái quê"). Vậy nhưng so với câu thơ của Xuân Diệu "Kẻ uống tình yêu dập cả môi" (bài "Hư vô"), nó cũng chưa nhằm nhò gì.
Đến cái "ăn", cái "uống" của Xuân Diệu cũng khác người. Ông nhìn "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần" (bài "Vội vàng"); ông muốn "Nên lúc môi ta kề miệng thắm/ Trời ơi, ta muốn uống hồn em" (bài "Vô biên"). Trước Xuân Diệu, trong thơ Việt làm gì có ai có lối thể hiện cảm xúc mạnh mẽ nhường này? Phải yêu đời, yêu người, phải khát sống đến độ nào người ta mới cuồng nhiệt đến vậy.
Trong "Thi nhân Việt Nam", viết về Xuân Diệu, nhà phê bình Hoài Thanh đã có một nhận xét mang tính đúc kết mà tôi phải ngẫm ngợi rất nhiều. Vâng, đó là câu: "chỉ những người lòng còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu mà đã thích thì phải mê".
Đã có lúc tôi đặt câu hỏi: Chẳng lẽ "chỉ những người lòng còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu"? Nhưng rồi tôi hiểu ra là, những người "lòng còn trẻ" khác với những người "còn trẻ" (có những người tuổi cao nhưng "lòng còn trẻ"). Mà số này chưa hẳn đã ít. Và tôi cũng ý thức được rằng, trong thực tế, cũng đã có những độc giả không thật thích thơ Xuân Diệu.
Với những người này, thơ Xuân Diệu thời trẻ có gì đó "bồng bột", ồn ào chứ không được sâu lắng, thấm thía như một số bài trong "Lửa thiêng" của Huy Cận. Riêng tôi, nhớ lại những cảm xúc ban đầu khi đến với thơ Xuân Diệu, tôi thầm bái phục sư phụ Hoài Thanh sao mà nói "trúng tim đen" đến vậy. Đúng là với "Thơ thơ", với "Gửi hương cho gió", nói "thích" chưa đủ, phải nói là "mê" mới đúng. Những hình ảnh trang hoàng lộng lẫy, đẹp một cách đài các được lồng trong những vần thơ ngân vang như chuông vàng khánh bạc đã gây xôn xao náo nức hồn tôi suốt một thời hoa niên…
Đến nay, tôi vẫn không sao quên được những cảm xúc dào dạt khi ở tuổi chớm yêu, lần đầu được đọc thơ Xuân Diệu:
Đêm thứ bảy, chính là đêm thứ nhất
Chẳng bao giờ ngăn được gót thanh niên
Khi bóng tối cũng reo hò: chủ nhật
Và áo màu làm gió, phất qua hiên

(bài "Đêm thứ nhất").
Nói về hay thì những câu thơ trên chưa thuộc những câu hay nhất, đáng nhớ nhất của Xuân Diệu, nhưng nó rất gợi những xúc cảm thời thanh xuân. Có lẽ chỉ "khi người ta trẻ", người ta mới thấy hết cái hay, cái ý vị của câu thơ "Đêm thứ bảy, chính là đêm thứ nhất", mới thấy sức gợi và cái hay của câu "Khi bóng tối cũng reo hò: chủ nhật". "Bóng tối" hay tiếng lòng của người thanh niên reo hò đón chào ngày chủ nhật - ngày nghỉ và cũng là ngày hò hẹn của các cô cậu học sinh, sinh viên, khi vút qua mắt họ là những "áo màu làm gió phất qua hiên"?
Cũng dào dạt, phơi phới như vậy là mấy khổ thơ trong bài "Xuân đầu":
Hỡi năm tháng vội đi làm quá khứ!
Trở về đây! và đem trở về đây
Rượu nơi mắt với khi nhìn ướm thử
Gấm trong lòng và khi đứng chờ ngây

Và nhạc phất dưới chân mừng sánh bước
Và tơ giăng trong lời nhỏ khơi ngòi
Tà áo mới cũng say mùi gió nước
Rặng mi dài xao động ánh dương vui.

Đúng là "Xuân đầu", không khí xôn xao, náo nức như ngày hội. Chỉ với vẻn vẹn 16 chữ: "Tà áo mới cũng say mùi gió nước/ Rặng mi dài xao động ánh dương vui", tác giả trẻ đã làm nổi bật lên được vẻ đẹp cũng như những xao động trong tâm hồn các thiếu nữ ở buổi bình minh của cuộc đời. Câu thơ không chỉ tràn ngập nắng gió, tiếng reo vui của lòng người mà còn có cả sự "tiền hộ hậu ủng" của thiên nhiên tạo vật…
Trong "Thơ thơ" và "Gửi hương cho gió", không ít lần Xuân Diệu cất tiếng hát ca ngợi tuổi xuân, cũng như không ít lần ông thể hiện nỗi hoang mang trước bước nhảy của thời gian. Nói về chủ đề này, câu thơ Xuân Diệu đầy xốn xang, chộn rộn. Trước Xuân Diệu, Thế Lữ từng viết trong "Khúc ca hoài xuân":
Tiếng ve ran trong bóng cây râm mát
Giọng chim khuyên ca ánh sáng mắt trời
Gió nồng reo trên hồ sen rào rạt
Mùa xuân còn, hết? khách đa tình ơi!

Cũng là tiếng ve ran, là gió nồng reo, là khách đa tình, là hồ sen, là sự rào rạt, vậy nhưng câu thơ vẫn có gì đó hụt hơi, như thể bậc danh ca đã không còn ở đỉnh cao danh vọng? Trong khi, hãy nghe Xuân Diệu, cũng chủ đề trên, giọng thơ rộn rã, rung vang, khỏe khoắn lạ thường, tưởng như đó là khúc ca bất tận:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
 
Của ong bướm nay đây tuần trăng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si

(bài "Vội vàng")
Tất cả là ở sức trẻ. Thơ Xuân Diệu có ma lực bởi giọng điệu thơ ông lúc thì thổn thức, khắc khoải, khi thì réo rắt si mê, nó là tiếng hoan ca và bi ca của một người lòng tràn đầy sức trẻ và luôn hướng về tuổi trẻ.
  • Phạm Khải - Xuân 2015

0 nhận xét :