Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Lặng lẽ trở về… quỹ đạo


Nếu như những năm trước, văn đàn cứ "sốt xình xịch" vì xuất hiện quá nhiều cuốn sách theo xu hướng "sốc - sướng - sến" của những "nhà" tự dưng "nhảy thách vào làng văn, gióng lên một hồi trống rồi lặn mất tăm mất tích" thì hai năm trở lại đây, văn đàn có vẻ "hạ nhiệt" hơn và đang dần đi vào đúng quỹ đạo của nó - đó là trả lại sân khấu cho những người viết chuyên nghiệp.

Về Lý luận phê bình: "Vụ Nhã Thuyên" kéo dài từ cuối năm 2013 đến nửa đầu 2014 thì tạm lắng và mặt trận phê bình dường như tạm nghỉ "giải lao". Nửa cuối 2014 dành cho những vấn đề vĩ mô, những hoạch định, hướng đi rõ ràng, rành mạch cho lý luận phê bình như các cuộc hội thảo quốc gia của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, của Viện Văn học, Hội Nhà văn… và đã xuất hiện một số tác phẩm lý luận phê bình gây ấn tượng như các cuốn "Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình và hiện tượng" của nhà lý luận phê bình Nguyễn Đăng Điệp, đã được Hội nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2014, "Bóng mát dọc đường xa" của nhà thơ Vũ Quần Phương, "Mùi chữ" của nhà phê bình trẻ Nguyễn Hoài Nam... và Hội Nhà văn Hà Nội đã mở màn trao thưởng về lĩnh vực này cho cuốn "Không gian văn học đương đại" - tập phê bình của tác giả Đoàn Ánh Dương đang công tác ở Viện Văn học. Sau đó không lâu, cuốn "Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo" - tập tiểu luận - phê bình văn học của nhà thơ Phạm Khải cũng đã được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội trao giải thưởng.
Xin được dừng lại lâu hơn một chút ở cuốn "Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo" của nhà thơ Phạm Khải. Thông thường, độc giả không mấy "mặn mà" với những cuốn tiểu luận phê bình vì trong đó các tác giả thường hay mắc bệnh viện dẫn những lý thuyết và các nguyên lý này nọ, "xa" đến tận bên Tây, bên Tàu nhưng nhiều khi rất sống sít để lý giải những vấn đề vốn chỉ đơn giản là "đặc sản" của riêng Việt Nam.
Trường hợp cuốn sách của nhà thơ Phạm Khải thì lại khác. Phạm Khải đã không quá câu nệ vào lý thuyết, hay nói đúng hơn anh đã biến lý thuyết hay những gì gọi là kiến thức chung của nhân loại thành máu thịt của mình để cho ra đời những bài viết đúng là của chính mình. Những bài viết đó tiệm cận với cách đọc, cách nghĩ của đông đảo người đọc hôm nay. Hay nói đúng hơn đó là các nghĩ, cách hiểu thuần Việt.
Đọc tập sách của nhà thơ Phạm Khải, chúng ta thấy rất rõ dấu ấn của một nhà thơ viết phê bình. Khi viết nhà thơ chỉ lấy điểm, đôi khi chỉ lẩy ra những chi tiết nhỏ nhưng rất cụ thể, sinh động trong đời sống văn học nghệ thuật để khái quát lên một hiện tượng có tầm bao quát lớn hơn, rộng hơn về cả một giai đoạn văn học. Chính vì thế đọc cuốn sách "Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo" của nhà thơ Phạm Khải như là được xem một bức tranh toàn cảnh về đời sống văn học nghệ thuật của nước nhà những năm gần đây. Trong đó có đủ cả hỉ, nộ, ái, ố...và đôi khi là những tréo ngoe trong đời sống văn học.
Về Thơ ca: Khác với những năm trước, thi đàn dậy sóng khi có quá nhiều nhà thơ muốn làm khác, muốn đổi mới thơ ca và sản phẩm của họ là cho ra đời những bài thơ "không giống ai", với nỗ lực tưởng chừng không mệt mỏi của họ khi muốn khẳng định "ta nhất định thắng, thơ nhất định thua", thì đến năm 2014 này, thi đàn có vẻ trầm lắng hơn cho dù Thơ vẫn được in ra nhiều và các giải thưởng hằng năm vẫn được trao. Thôi thì có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ, trao giải nhưng tiếng vang hầu như không có, thiếu sức lay động độc giả. Phải chăng Thơ đang đi xuống hay độc giả ngày nay đã thông minh hơn và khó tính hơn sau những chờ đợi và đã không ít lần mừng vui rồi hụt hẫng?
Những năm trước, vì tin vào truyền thông và tin vào những tuyên bố hùng hồn, có cánh của những người có chút tên tuổi trên văn đàn nên người yêu thơ đã không ít lần bị nhầm lẫn giữa lửa rơm và lửa than Kíplê để đến năm 2014 này, họ đã tỉnh táo hơn trước những khen chê về các tập thơ trên báo chí. Nhưng chúng ta hãy tin rằng, sự trầm lắng này cũng giống như một con sông đã qua lắm thác ghềnh và đang tự tìm lấy một hướng chảy thích hợp nhất. Những nhà thơ đang tìm đường để hướng dòng sông thơ đến với công chúng. Thơ ca vốn hiền hòa và không ồn ã. "Từ trái tim đến trái tim" phải chăng đó là con đường ngắn duy nhất để đưa thơ đến với độc giả và chúng ta có quyền hy vọng ở Thơ ca trong thời gian tới.
Về Văn xuôi: Văn xuôi vẫn tỏ ra "lực lưỡng" hơn cả. Cuộc thi và cũng là cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống (2012-2015) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phát động đã dần đi đến chặng nước rút và đến nay đã phát lộ được những cuốn tiểu thuyết, tự truyện, tiểu thuyết tư liệu hay, có giá trị về đề tài và tiêu chí đặt ra của cuộc thi như cuốn tiểu thuyết "Đơn tuyến" của nhà văn Phạm Quang Đẩu viết về cuộc đời nhà tình báo, nhà khoa học,
Thiếu tướng Công an Nguyễn Đình Ngọc, hay cuốn tự truyện "Không thể mồ côi" của tác giả Minh Vân. Đây là một món quà ý nghĩa, để tưởng nhớ 45 năm ngày Anh hùng, liệt sỹ Đào Phúc Lộc hy sinh (24/12/1969- 24/12/2014). Ngoài ra còn có các cuốn đáng đọc như tiểu thuyết "Súng nổ bên thiên đường" của tác giả Hữu Phương; tiểu thuyết "Gia tộc thanh vàng" của nhà văn Nguyễn Trọng Văn hay cuốn truyện ký "Dấu chân trinh sát" của lão nhà văn Lương Sỹ Cầm...
Qua cuộc thi đã phác họa đậm nét được những chân dung điển hình, xây dựng được những hình tượng đẹp về người chiến sĩ Công an nhân dân. Họ đẹp một cách giản dị vì họ là những người bình thường, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Nhưng chính những con người bình thường đó đã làm được những công việc phi thường do yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Có mất mát, có đau thương, có cao thượng và thậm chí là có lúc cả sự hèn nhát đã len vào trong suy nghĩ của họ. Nhưng vượt lên trên tất cả, đó là một lòng, một dạ vì cái chung, vì sự bình yên của nhân dân, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV (2012-2014) của Hội Nhà văn Việt Nam đã qua vòng sơ khảo với 170 tác phẩm dự thi. Các giải thưởng đang ở phía trước. Một hiện tượng đáng quan tâm là sự tái xuất hiện của đề tài chiến tranh với những tiểu thuyết có tiếng vang như "Miền hoang" của nhà văn Sương Nguyệt Minh viết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia thoát nạn diệt chủng Polpot. Ngoài ra còn có cuốn tiểu thuyết "Những đứa co n rải rác trên đường" của nhà văn Hồ Anh Thái. Cả hai cuốn sách trên đều do "bà đỡ'' mát tay là NXB Trẻ ấn hành cho dù trước đó, cũng chính NXB Trẻ đã tổng kết và trao giải cuộc Vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần thứ năm nhưng hình như những gì đã trao không đáp ứng được với sự kỳ vọng của đông đảo bạn đọc.
Đúng như nhận định của nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn - một trong các giám khảo của cuộc thi - trong cuộc tọa đàm Văn học tuổi 20 tháng 3/2014 đã nhận định: "Các tác giả trẻ vẫn quẩn quanh trong cái tôi của mình mà không chịu nhìn ra và bước vào thân phận của người khác. Điều đó khiến tác phẩm của họ nhiều khi rất nông cạn, hạn hẹp, không có sự bứt phá và tầm vóc riêng".
Có cơ sở để tin vào tương lai của tiểu thuyết, đặc biệt tiểu thuyết về chiến tranh và tiểu thuyết về An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Có thể nhắc lại "thời của tiểu thuyết" chính là thời hiện tại.
Có thể nói chính độc giả ngày nay đã tỉnh táo hơn để chọn cho mình những cuốn sách văn học đích thực chứ không phải những cuốn á văn chương chỉ có tụt và cởi. Họ tìm đến với những tác giả đã thành danh có thâm niên về tuổi đời và tuổi nghề để đọc, xét cho cùng thì văn chương nghệ thuật rất cần ở tài năng, nhưng nếu chỉ có tài năng không hình như là chưa đủ, nhà văn vẫn cần phải sống, phải chiêm nghiệm đã rồi khi ấy mới viết. Điều này được thấy rất rõ qua những giải thưởng và những cuốn sách "đáng đọc" của năm nay khi được xướng tên tác giả thì độc giả cũng không phải tra vào Google để tìm hiểu xem tên tuổi và quá trình hoạt động văn nghệ của các nhà văn được giải.
Năm nay không có những tác giả "bất thình lình trở nên nổi tiếng" trên văn đàn. Theo nhận định của người viết bài này thì đây là một tín hiệu hay, vì văn học nghệ thuật đích thực vẫn cần một quá trình. Tất nhiên quá trình ở đây không phải là tác phẩm sau của chính một tác giả phải hay hơn tác phẩm đã viết trước đó mà muốn nói đến quá trình lao động nhà văn.
Nguyễn Thế Hùng - Xuân 2015

0 nhận xét :