Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Các giai đoạn cơ bản – hình thành phát triển tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh

Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm của Người về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết hợp thống nhất giữa dân tộc và giai cấp, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội nhằm đi tới giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng đó không thể hình thành ngay một lúc mà đã trải qua một quá trình tìm tòi, phát hiện, xác lập, phát triển và hoàn thiện, gắn liền với quá trình phát triển, lớn mạnh của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Cách đề cập trên đây có thể hiểu như là cách đặt ra một vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận trong việc nghiên cứu nguồn gốc và quá trình hình thành phát triển tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh. Bởi vì, nói đến tinh hoa văn hoá thế giới và yếu tố thời đại, chúng ta phải đề cập cả những giá trị văn minh của loài người trong xây dựng một nền dân chủ mới. Trong các văn bản của Hồ Chí Minh, chúng ta tìm thấy nhiều ý tưởng có giá trị khoa học, không những tiếp cận, thâm nhập vào giá trị của của nền văn hoá Đông – Tây, cổ và kim mà Người đã hấp thụ để kế thừa và phát triển theo cách riêng và yêu cầu riêng, trở thành những hoài bão, ý tưởng của chính Người. Còn truyền thống dân chủ được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng in rất đậm trong những ý tưởng, quan niệm của Người về dân chủ về xây dựng Nhà nước, một nền hành chính, pháp chế thân dân, của dân, vì dân giúp chúng ta phát hiện ra những giá trị riêng biệt, đặc thù rất Hồ Chí Minh về dân chủ.

Nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh qua những thời kỳ cơ bản sau đây:

- Từ 1890 – 1920

Trong khoảng thời gian 21 năm, Hồ Chí Minh đã sống tuổi thơ ấu ở quê hương, ở Thừa Thiên Huế và sau đó Người đi vào Nam nhằm thực hiện hoài bão tìm đường cứu nước, cứu dân.

Đây là giai đoạn Nguyễn Sinh Cung tiếp nhận chủ nghĩa yêu nước – nhân văn trong hệ giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; hấp thụ vốn văn hoá Quốc học, Hán học và bước đầu tiếp xúc với văn hoá phương Tây; chứng kiến cuộc sống khổ cực của nhân dân và tinh thần đấu tranh bất khuất của cha anh, hình thành hoài bão cứu dân cứu nước.

Năm 1911, Hồ Chí Minh rời Tổ quốc. Đây là thời kỳ Nguyễn Tất Thành bôn ba khắp các châu lục để tìm hiểu các cuộc cách mạng lớn trên thế giới và khảo sát cuộc sống cuả nhân dân các dân tộc bị áp bức.

Từ góc độ của đối tượng nghiên cứu về dân chủ, chúng ta tìm thấy trong tư tưởng cứu nước của Người là tìm kiếm những phương pháp lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến và thành lập một chính quyền mà quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân. Đó, còn là chính quyền thân dân, gần dân. Khi chế độ thực dân đang còn cai trị trên đất nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên nêu vấn đề nhân quyền như một yêu sách của cả một dân tộc đang vươn tới khát vọng dân chủ và tự do.

Trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam (1919) gửi Hội nghị Vécxây, Nguyễn Ái Quốc đã là người Việt Nam đầu tiên sử dụng nền dân chủ tư sản để đòi những quyền tự do dân chủ tối thiểu cho nhân dân ta.

Bản yêu sách bao gồm 8 điểm:

1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;

2. Cải cách nền pháp lý Đông dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người châu âu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;

3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;

4. Tự do lập hội và hội họp;

5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;

6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;

7. Thay chế độ ra sắc luật bằng các đạo luật;

8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ

Một trong những nét độc đáo và nổi bật nhất của tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là Người đã nhận thức sâu sắc về vai trò của pháp luật về vấn đề chính quyền nhà nước. Những bài học có thể rút ra từ các cuộc cách mạng tiêu biểu của thế giới lúc bấy giờ, từ cách mạng Mỹ (1776), cách mạng Pháp (1789), mà thực chất là các nền dân chủ tiêu biểu của chủ nghĩa tư bản, Nguyễn Ai Quốc cũng nhìn nhận đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của nó.

So sánh cách mạng Nga với cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp, Người đã nhận thấy cách mạng Nga là một cách mạng chân chính với đầy đủ ý nghĩa dân chủ của nó. Từ đó, Nguyễn Ai Quốc đã đi đến những khẳng định: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì làm cho đến nơi, nghĩa là làm xong cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”.

Tinh thần nhân ái với sự phê phán tinh tế, sâu sắc và sự lên án mạnh mẽ của Nguyễn Ái Quốc đối với chế độ thực dân, do Người xuất phát từ lập trường dân chủ, dân tộc, yêu nước kiên định, không khoan nhượng, từ lập trường của “…thời đại mà ý muốn của nhân dân là nắm quyền tự quyết”, từ bản thân lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, để qua đó dựng lên một bức tranh về chủ nghĩa thực dân, đế quốc với rất nhiều phương diện, nhưng đều biểu đạt cho sự xấu xa, tàn bạo, phi nghĩa và bất nhân. Đó là: “…Dưới nhãn hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái và nhân danh “nền dân chủ Pháp”, người ta đang đầu độc một cách có hệ thống chủng tộc Đông Dương”, là “sự ngự trị của bạo chính”, “công lý bị bán đứt”, “ân huệ của nền văn minh trên máy chém”, “một chế độ hoàn toàn khoá miệng và bưng bít sự thật”…

Năm 1920, được tiếp xúc với Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường chân chính cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Đây là khoảng thời gian Nguyễn Ai Quốc ra đi tìm đường cứu nước để tìm tòi, lựa chọn một con đường cho cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là một quá trình tìm tòi, so sánh, lựa chọn một mẫu hình dân chủ nhân dân cho cách mạng Việt Nam. Về mô hình dân chủ, Người lựa chọn kiểu dân chủ vô sản – nhà nước Xôviết, nhà nước theo học thuyết Mác – Lênin, nhà nước mà “quyền giao cho dân chúng số đông”. Chính vì vậy, đây là thời kỳ Hồ Chí Minh khảo sát, tìm tòi, lựa chọn nhà nước kiểu mới theo học thuyết Mác – Lênin.

- Từ 1921 – 1930

Đây là thời kỳ hoạt động thực tiễn và lý luận cực kỳ sôi nổi và phong phú của Nguyễn Ái Quốc để tiến tới thành lập chính đảng cách mạng ở Việt Nam. Người hoạt động tích cực trong Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp, tham gia sáng lập Hội liên hiệp thuộc địa, xuất bản báo Le Paria nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào các nước thuộc địa và Việt Nam với tuyên ngôn: “giải phóng con người, “giải phóng những người lao động khỏi những lực lượng thống trị, thực hiện tình yêu thương và hữu ái”.

Lần đầu tiên trên diễn đàn báo chí công khai, từ lập trường dân tộc, dân chủ chân chính, nhân danh những lý tưởng cao cả của thời đại bấy giờ được thể hiện ở những khẩu hiệu tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái, công lý, Nguyễn Ái Quốc vạch trần bản chất giả nhân, giả nghĩa của “tâm địa thực dân”, cửa miệng nói khai hoá nhưng “…đối với dân bản xứ, thì lại giữ họ vĩnh viễn trong cảnh nô lệ”. Trong nhiều bài báo của Hồ Chí Minh viết trong thời gian này, Người thường sử dụng các từ, cụm từ dân chủ, dân quyền, nhân quyền, quyền con người, quyền công dân, v.v… nhưng tất cả những từ và cụm từ này đều được Người xem xét dưới góc độ quyền lực nhà nước, vai trò của nhà nước, v.v…

“Bản án chế độ thực dân Pháp” (năm 1925) và Đường Kách mệnh (năm 1927) đã đánh dấu sự hình thành cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng của Việt Nam về dân chủ và nhà nước dân chủ vô sản. Từ sự phê phán, buộc tội bản chất của chế độ thực dân, đế quốc và bộ máy chính quyền thuộc địa nói chung và đội ngũ nhân viên Nhà nước nói riêng, trong ý tưởng Nguyễn Ai Quốc đã phát thảo mô hình dân chủ của một bộ máy Nhà nước tương lai. Hẳn, chưa thể nói cụ thể về một kiểu Nhà nước kiểu mới, xét về mặt cơ cấu, tổ chức và hoạt động của nó, nhưng chắc chắn đó là một Nhà nước phải thể hiện được tính dân chủ, tính nhân dân sâu sắc theo những ý tưởng nhân quyền. Đối với vấn đề dân chủ, chính quyền, bộ máy Nhà nước được Nguyễn Ai Quốc đề cập dưới nhiều phương diện khác nhau trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, thì Người khẳng định: “làm xong cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều…”.

Năm 1930, Người được Quốc tế cộng sản phân công trách nhiệm chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam (3-2-1930), và trực tiếp soạn thảo các văn kiện với tính cách là những văn kiện chính thức của hội nghị. Đó là các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong đường lối cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc mới cho ra đời khái niệm “Chính quyền công – nông – binh” nhằm trao quyền lực cho đa số nhân dân và trở thành nội dung của Chánh cương vắn tắt của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Hồ Chí Minh nhận thức rõ vấn đề chính quyền nhà nước là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội, trong lý luận cách mạng xã hội và nhà nước của chủ nghĩa Mác – Lênin. Điều này đã được ghi trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng(1930):

“A. về phương diện xã hội thì:

Dân chúng được tự do tổ chức.

Nam nữ bình quyền…

Phổ thông giáo dục theo nông hoá.

B. Về phương diện chính trị:

Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến.

Làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập.

Dựng ra chính phủ công nông binh.

Tổ chức ra quân đội công nông.

C. Về phương diện kinh tế:

Thủ tiêu hết các thứ quốc trái.

Thâu hết sản nghiệp lớn(như công nghiệp, vận tải, ngân hàng…) của tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho chính phủ công nông binh quản lý.

Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân nghèo.

Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo.

Mở mang công nghiệp và nông nghiệp.

Thi hành luật ngày làm 8 giờ.

Trong Chánh cương vắn tắt, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng chính phủ công – nông – binh, mà thực chất là chính phủ công nông. Đây là mô hình nhà nước kiểu Xôviết và trên thực tế, hình thức nhà nước đó đã xuất hiện ở Việt Nam trong phong trào Xô viết Nghệ tĩnh (1930 – 1931).

- Từ 1930 – 1945

Trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng, Nguyễn Ai Quốc đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, xác định cách mạng Việt Nam có hai nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến có quan hệ khăng khít, không thể tách rời, nhưng phải đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc, chống đế quốc là nhiệm vụ hàng đầu. Cho nên, phải đoàn kết rộng rãi mọi giai cấp, tầng lớp yêu nước chống đế quốc, lấy công nông làm nền tảng, do giai cấp công nhân lãnh đạo. Chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn vì nó giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và dân chủ để tranh thủ, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, dân chủ để tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chủ yếu là chủ nghĩa đế quốc và bọn phong kiến tay sai.

Một vấn đề rất riêng và cũng hết đặc thù về tư tưởng dân chủ về xây dựng nhà nước kiểu mới Việt Nam của Hồ Chí Minh là tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, vì lợi ích chung của toàn dân tộc. Chính điều này, đã giải thích tại sao trong Hội nghị TW Tám (1941), Hồ Chí Minh chỉ có thể giành chính qyền về tay nhân dân Đảng phải thành lập mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, lấy tên là “Việt Nam độc lập đồng minh” gọi tắt là “Mặt trận Việt Minh”.

Tư tưởng dân chủ với chủ trương xây dựng nhà nước công nông của Hồ Chí Minh trong Chương trìnhViệt Minh đã khẳng định: “Sau khi đánh đuổi được đế quốc phát xít Nhật sẽ lập lên chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, lấy cờ đỏ, sao vàng năm cánh làm quốc cờ. Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Quốc dân đại hội cử lên”. Hơn nữa, một trong những sách về chính trị, Mặt trận Việt Minh cũng đã khẳng định: “Phổ thông đầu phiếu: hễ ai là người Việt Nam, vô luận nam hay nữ từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, trừ bọn Việt gian phản quốc”.

Như vậy, thực tiễn lịch sử đã chứng minh quan điểm của Nguyễn Aí Quốc trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt là hoàn toàn đúng đắn.

- Từ 1945 – 1969

Cách mạng Tháng Tám thành công, với việc tuyên bố trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, Hồ Chí Minh là nguời sáng lập và xây dựng một nhà nước dân chủ mới ở Việt Nam. Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Bản Tuyên ngôn độc lập đã thể hiện giá trị căn bản nhất của nhân loại về dân chủ, khi Người đã phát triển tư tưởng trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, tư tưởng nhân quyền và dân quyền trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp, năm 1791, đi đến khẳng định quyền con người không chỉ là xét về cá nhân, quyền con người nói chung, mà là quyền của mọi dân tộc. Đây, cũng là moat nét riêng biệt, độc đáo trong tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh.

Tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh về nhà nước được vận dụng ngay để xây dựng nền dân chủ kiểu mới, thông qua việc Tổng tuyển cử tự do, để khẳng định quyền là chủ và làm chủ của nhân dân đối với vận mệnh của Tổ quốc sau khi nước nhà được độc lập.

Trong những điều kiện và hoàn cảnh mới, với những thuận lợi và khó khăn lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh ý thức rất rõ vai trò của pháp luật trong điều hành và quản lý đất nước. Nhất là việc thực hành dân chủ. Vấn đề đặt ra là phải sớm có một hiến pháp dân chủ của một nhà nước kiểu mới – nhà nước dân chủ; nhân dân phải được hưởng quyền tự do dân chủ. Chính vì vậy, Người kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ kháng chiến kiến quyết với việc chống giặc đói, chống nạn mù chữ…Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến Tổng tuyển cử, coi đây là công việc thể hiện tự do, bình đẳng, dân chủ thật sự về quyền là chủ và làm chủ vận mệnh đất nước của mọi công dân. Ngày 17 – 09 – 1945, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ấn định thể lệ Tổng tuyển cử. Tiếp ngay sau đó, ngày 20 – 09 – 1945, Người ký sắc lệnh số 34 thành lập Uy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đề đệ trình Quốc hội. Với tính cách là đại biểu Quốc hội khoá I và đứng đầu Uy ban dự thảo Hiến pháp, Người nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sớm ban hành Hiến pháp. Dự thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thông qua kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I(11- 1946). Hiến pháp năm 1946 có 7 chương, 70 điều, là Hiến pháp của thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Từ năm 1946 trở đi, Đảng và nhân ta phải tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước. Với thời gian hai mươi năm đứng đầu nhà nước, Người nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý đất nước, Hồ Chí Minh đã từng bước nâng cao vai trò của pháp luật kết hợp chặt chẽ với giáo dục đạo đức trên cơ sở một nhà nước kiểu mới – nhà nước dân chủ. Trong điều kiện khó khăn đó, tư tưởng dân chủ về Nhà nước kiểu mới – Nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển và hoàn thiện.

0 nhận xét :