Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Điều kiện lịch sử- xã hội và nguồn gốc trình hình thành tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh

1. Điều kiện lịch sử - xã hội

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX nước ta trở thành thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp. Vấn đề có tính chất sống còn đối với vận mệnh của dân tộc và sự phát triển của đất nước lúc này, là vấn đề dân tộc và giải phóng dân tộc. Đó là nhiệm vụ phải đánh đuổi thực dân Pháp, khôi phục lại chủ quyền quốc gia – đó cũng là điều nung nấu lớn nhất, biểu hiện thành lý tưởng và đạo đức cao nhất của tất cả những nhà yêu nước có tâm huyết đương thời.

Phong trào vũ trang kháng chiến chống Pháp trong thời kỳ này, đều được thúc đẩy bởi tinh thần yêu nước, song trước sau đều lần lượt thất bại. Thất bại của các phong trào này, do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là lãnh đạo các phong trào cứu nước đó, chưa có đường lối rõ ràng hoặc đường lối cải lương, họ còn là các sĩ phu văn thân mang ý thức hệ phong kiến, hay xu hướng dân chủ tư sản.

Những bài học lịch sử trong phong trào cứu nước của thời kỳ này, cho chúng ta thấy vấn đề quan trọng là ở chỗ lựa chọn con đường và giải pháp để thực hiện nhiệm vụ dân tộc và giải phóng dân tộc. Thực tiễn lịch sử đã cho thấy, vào thời điểm này, xã hội Việt Nam đã rơi vào một cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước. Đây là vấn đề cốt lõi, hệ trọng, phải chăng đó là phải nhận thức đúng đắn về lý luận cách mạng mới, trên cơ sở thực tiễn xã hội Việt Nam để hình thành đường lối chính trị trong thực tiễn cách mạng.

Với Hồ Chí Minh, yêu nước, thương dân là tình cảm hình thành từ rất sớm trở thành động lực mạnh mẽ, thôi thúc Người tìm đường cứu nước. Người cũng tiếp thu được tình cảm trong sáng và giá trị tinh thần cao quý từ gia đình, quê hương và từ truyền thống yêu nước, ý thức dân tộc qua học tập, giáo dục và những quan sát, những thể nghiệm trực tiếp của Người ở tuổi thiếu niên cho đến khi trưởng thành. Đó không chỉ cũng là một trong những cơ sở xuất phát có vị trí rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đối với sự hình thành thế giới quan, nhân sinh quan trong cuộc đời và sự nghiệp của Người sau này, mà còn là những nguồn gốc lịch sử hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nguyễn Ai Quốc đã nhận thức sâu sắc rằng, sự thất bại của các phong trào cứu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở trong nước, không phải do nhân dân ta thiếu anh hùng, các lãnh tụ phong trào kém nhiệt huyết mà vì các lãnh tụ phong trào cứu nước ấy không nhận thức được đặc điểm của thời đại.

Sự hấp dẫn của những khái niệm mới, giá trị mới của nhân loại về dân chủ, về tự do, bình đẳng, bác ái đã cuốn hút Người đi tìm một con đường mới, con đường giải phóng dân tộc. Người đã sớm hoài nghi những khẩu hiệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”, về cái gọi là “văn minh khai sáng” của giai cấp tư sản của chủ nghĩa thực dân. Đây cũng là một trong những vấn đề mà Nguyễn Ai Quốc hằng trăn trở khi còn ở trong nước, đã thôi thúc Người ra nước ngoài để tự mình đi tìm ra sự thật ẩn dấu bên trong những từ mỹ miều của cái gọi là “tự do, dân chủ và công bằng xã hội” của chủ nghĩa thực dân, đế quốc thường khuếch trương, tuyên truyền để mị dân.

Qua 10 năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ai Quốc đã đến với chủ nghĩa Lênin. Đây là một bước ngoặt cách mạng trong cuộc đời hoạt động của Người, trong sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, độc lập dân tộc với chủ nghĩa dân tộc, đã giúp Người tìm ra con đường chân chính cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc.

Tóm lại, điều kiện kinh tế – xã hội, hình thành tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh – chính là sự vận động, phát triển của tư tưởng yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và đến chủ nghĩa Mác – Lênin. Đó là bối cảnh và điều kiện lịch sử đã hình thành nên tư tưởng dân chủ của Người.

Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh từ điểm xuất phát ban đầu là tình cảm yêu nước, là tinh thần dân tộc với cội nguồn truyền thống và chủ nghĩa yêu nước truyền thống qua thực tiễn lịch sử và hoạt động thực tiễn của Người đã định hình và từng bước phát triển thành. Nhưng, tư tưởng ấy trước hết cũng trên cơ sở trong quá trình hình thành tư tưởng giải phóng dân tộc, tìm tòi con đường và phương sách, đưa dân tộc tới độc lập và nhân dân tới cuộc sống tự do, hạnh phúc của Người.

Ơ điểm xuất phát này, cái quan trọng và mới mẻ có tính sáng tạo trong quá trình tìm hiểu dân chủ tư sản và hình thành tư tưởng dân chủ vô sản về sau của Hồ Chí Minh là ở chỗ, Người đã nhạy bén với quan điểm thực tiễn và chính thực tiễn đã làm sáng tỏ lôgíc tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ về độc lập dân tộc.

2. Nguồn gốc tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh

Muốn hiểu được sự hình thành tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh phải bắt đầu từ việc tìm hiểu những truyền thống tư tưởng văn hoá của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước đã góp phần hun đúc nên con người Hồ Chí Minh. Vấn đề đặt ra, là trong truyền thống văn hoá Việt Nam có tư tưởng về dân chủ hay không? Nếu có thì truyền thống ấy được hình thành và phát triển như thế nào? Cái gì là nguồn gốc, là cơ sở cho truyền thống ấy?

Do đặc điểm kinh tế – xã hội trong lịch sử dựng nước và giữ nước của con người Việt Nam, từ thuở xa xưa đã hình thành quan hệ cộng đồng công xã, không chỉ xét về phong tục tập quán văn hoá mà còn là tổ chức xã hội – cái cơ sở hình thành hệ thống chính trị xã hội phong kiến Việt Nam. Đây là một cơ sở xuất phát để nghiên cứu quá trình hình thành những thiết chế dân chủ sơ khai, tư tưởng dân chủ truyền thống của cha ông ta. Những yếu tố dân chủ đó được hình thành trong một cơ chế dân chủ có tính chất tự thân, bao gồm:

1. Dân chủ nông dân - dân chủ nảy sinh trong quá trình đấu tranh xã hội, nhằm giải quyết những sự xung đột về mặt lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế có tính chất giai tầng xã hội;

2. Dân chủ công xã - dân chủ dựa trên sự bảo tồn và phát triển các quan hệ cộng đồng dưới nhiều hình thức khau, mà cơ sở là thiết chế làng xã;

3. Dân chủ nhà nước - dân chủ dựa trên cơ sở lợi ích dân tộc, quốc gia – lợí ích của các vương triều tiến bộ trong lịch sử. Cố nhiên, dân chủ nhà nước thuờng chỉ dừng lại ở một số các biện pháp thân dân, hơn là bản thân các đạo luật vốn có của các triều đại phong kiến Việt Nam, khi xuất hiện nhiệm vụ sống còn trong cuộc đấu tranh bảo vể Tổ quốc, bảo tồn và phát triển dân tộc.

Như vậy, không thể phủ nhận sự tồn tại của một số tư tưởng dân chủ và hình thức dân chủ nào đó trong một cơ chế tự thân có tính chất sơ khai, chưa trở thành một học thuyết, nhưng mang tính tất yếu trong tiến trình bảo tồn và phát triển dân tộc – một nội dung, một giá trị của chủ nghĩa yêu nước – chủ nghĩa nhân văn Việt Nam.

Hồ Chí Minh xuất thân trong gia đình khoa bảng, từ nhỏ Người đã hấp thụ một nền Quốc học và Hán học khá vững vàng, nhưng thấm đậm chủ nghĩa yêu nước – nhân văn truyền thống văn hoá Việt Nam. Ngoài truyền thống văn hoá dân tộc, Nguyễn Ai Quốc – Hồ Chí Minh, còn chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Đông là Nho giáo, Lão giáo và phật giáo, đã tiếp thu mang tính phê phán tư tưởng dân chủ, nhân văn của văn hoá Phục Hưng, của thế kỷ ánh sáng, của cách mạng tư sản.

Khi ra nước ngoài, Người đã không ngừng làm giàu trí tuệ mình bằng tinh hoa văn hoá của nhân loại. Vì vậy, Hồ Chí Minh có thể viết văn Anh, văn Pháp, sắc sảo như một nhà báo phương Tây thực thụ, nhưng khi có nhu cầu “tự bạch” thì Người lại làm thơ bằng chữ Hán. Chính điều đó làm nên nét đặc sắc ở Hồ Chí Minh, một con người tượng trung cho sự kết hợp hài hoà văn hoá Đông – Tây.

Nói về thái độ của mình với các học thuyết và tôn giáo, Người viết:

“Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân.

Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả.

Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng.

Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta.

Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn “mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội”. Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết.

Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”

Lời nói trên đây là luận chứng cho thấy, Hồ Chí Minh biết kế thừa các học thuyết đó một cách có phê phán, chọn lọc không máy móc, giản đơn, mà có sự phân tích sâu sắc để thấy được giá trị đích thực mọi tinh hoa văn hoá của thời đại.

Chúng ta thấy, trong các tác phẩm của mình, Hồ Chí Minh sử dụng khá nhiều mệnh đề của Nho giáo và đưa vào đó những nội dung và ý nghĩa mới. Vì vậy, không có gì lạ, trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Hồ Chí Minh thường sử dụng có cải biên các thuật ngữ, các mệnh đề có ý nghĩa tích cực của Nho giáo nhằm diễn đạt tư tưởng của mình. Qua đó, cũng đến sự ảnh hưởng của những tư tưởng có ý nghĩa tích cực của Nho giáo đối với tư tưởng dân chủ của Người.

Trong bài Phong trào cộng sản quốc tế viết năm 1924, khi phân tích các vấn đề kinh tế như chế độ ruộng đất, chế độ lao động và chế độ hưởng thụ của xã hội Trung Hoa cổ đại, Người đã khái quát tư tưởng tiến bộ của học thuyết Nho giáo như: “Khổng Tử khởi xướng thuyết đại đồng và truyền bá sự bình đẳng về tài sản. Ong từng nói: thiên hạ sẽ thái bình khi thế giới đại đồng. Người ta không sợ thiếu, chỉ sợ không có đều, Bình đẳng sẽ xóa bỏ nghèo nàn… Việc thủ tiêu bất bình đẳng về hưởng thụ, hạnh phúc không phải cho một số đông mà cho tất cả mọi người”.

Nhận định trên cho thấy, Hồ Chí Minh không chỉ hiểu biết rất sâu sắc về lịch sử, kinh tế – xã hội Trung Hoa cổ đại mà còn chỉ rõ tác động của các giá trị có ý nghĩa dân chủ của phương Đông trước khi Người tiếp nhận các giá trị dân chủ mới của nhân loại có tính thời đại.

Phật giáo vào Việt Nam từ rất sớm. Ngay khi Nho giáo đã trở thành quốc giáo, Phật giáo vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh trong nhân dân, để lại nhiều dấu ấn trong văn hoá Việt Nam, từ tư tưởng, tình cảm, tín ngưỡng, phong tục tập quán đến quan niệm sống, lối sống và đạo lý… Phật giáo là tôn giáo, nên nó có nhiều mặt tiêu cực không tránh khỏi. Nhưng những mặt tích cực cũng đã để lại những dấu ấn rất sâu sắc trong tư duy, hành động, cách ứng xử của con người Việt Nam. Nhất là tư tưởng triết học nhân sinh của Phật giáo về tính thiện, định hướng tính thiện trong hoạt động đạo đức của xã hội ít nhiều phản ánh tinh thần bình đẳng, dân chủ nhất định, đã hoà nhập vào văn hoá dân tộc làm sâu sắc và phong phú thêm tư tưởng dân chủ trong văn hoá truyền thống Việt Nam.

Ngoài ra, còn có thể tìm thấy nhiều trích dẫn khác nữa của các nhà tư tưởng phương Đông như Lão tử, Mặc tử… trong các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh. Cũng như sau này, khi đã trở thành người mác xít, Nguyễn Ái Quốc vẫn tìm hiểu thêm về Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và tìm thấy trong đó “những điều thích hợp với điều kiện nước ta”. Đó là chủ trương dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc, v.v…

Như vậy, Hồ Chí Minh đã biết khai thác những yếu tố tích cực của tư tưởng và văn hoá phương Đông để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của nước ta và có ảnh hưởng đến tư tưởng dân chủ của Người.

Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã hình thành từ thế kỷ XVII, nhưng mãi đến thế kỷ XIX mới du nhập mạnh mẽ vào châu Á và đồng thời với nó là truyền bá những tư tưởng dân chủ tư sản. Ở Việt Nam, tư tưởng dân chủ tư sản du nhập muộn hơn, nhưng ít nhiều có ảnh hưởng sâu sắc đến các phong trào cứu nước của các nhà nho yêu nước, những tri thức Việt Nam đương thời

Trong ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Hồ Chí Minh sống chủ yếu ở châu Au, nên Người cũng chịu ảnh hưởng rất sâu rộng của nền văn hoá dân chủ và cách mạng của phương Tây.

Như vậy, trước cách mạng tháng mười Nga và trước khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, nhờ được rèn luyện trong phong trào công nhân các nước tư bản lớn ở trên thế giới, nhất là ở Pháp. Nguyễn Ái Quốc đã từng bước tiếp nhận các hình thức dân chủ tư sản và điều quan trọng hơn là việc thực hành dân chủ tư sản ở chính quê hương của các hình thức đó, nhằm phục vụ cho hoạt động cách mạng của Người. Nguyễn Ai Quốc, trên hành trình cứu nước với những trải nghiệm thực tiễn, đã biết làm giàu trí tuệ của mình bằng vốn trí tuệ của thời đại, vừa thấu hiểu, vừa gạn lọc để lựa chọn, kế thừa và đổi mới, vận dụng và phát triển. Sau khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, với phương pháp luận khoa học, cách mạng, Người đã nâng nó lên một trình độ mới, một chất lượng mới

Tác động biện chứng của mối quan hệ giữa cá nhân với dân tộc và thời đại đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, từ người yêu nước trở thành người cộng sản. Đây là bước ngoặt cơ bản trong quá trình tìm đường cứu nước và quá trình phát triển tư tưởng dân chủ của Người. Nhờ có thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã hấp thụ và chuyển hoá được những nhân tố tích cực và tiến bộ của tư tưởng văn hoá truyền thống dân tộc cũng như của tư tưởng và văn hoá nhân loại để xây dựng hệ thống lý luận về dân chủ của mình.

Vấn đề đặt ra là: Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin như thế nào và vì sao Người lại có thể vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin không chỉ phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể ở Việt Nam, mà còn phản ánh xu thế ở thời đại các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập, tự do xây dựng xã hội mới? Có thể rút ra những đặc điểm gì về con đường Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác – Lênin?

Thứ nhất, khi ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã phân tích, tổng kết các phong trào yêu nước chống Pháp từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX ở trong nước và Người nhận thấy sự khác nhau về mục đích, tôn chỉ, hình thức, biện pháp của các phong trào ấy, nhưng tựu trung cũng chỉ xoay quanh hai đường lối: quân chủ hay dân chủ, hai phương pháp: cách mạng hay cải lương. Song, qua thực tiễn, cả hai đường lối và phương pháp này đều thất bại và không có khả năng đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Sự kiện nổi bật và tiêu biểu nhất là sự kiện năm 1920 khi lần đầu tiên Người đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Người tìm thấy ở tác phẩm này, những tư tưởng khoa học và cách mạng mà bấy lâu nay Người hằng mong muốn. Theo Người: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Chính tư tưởng về giải phóng dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa, thực hiện quyền tự quyết dân tộc là điều mà Người quan tâm tìm kiếm mới làm cho nhân dân được sống trong một xã hội dân chủ thực sự – dân chủ vô sản.

Thứ hai, khác với nhiều trí thức tư sản phương Tây đến với chủ nghĩa Mác - Lênin chủ yếu như đến với một học thuyết, nhằm giải quyết những vấn đề tư duy lý luận hơn là vấn đề hành động và vận dụng trong thực tiễn cách mạng. Ngược lại, Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin là để tìm kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

Thứ ba, thế giới quan và phương pháp luận Mác – Lênin đã giúp Nguyễn Ai Quốc nhận định, đánh giá, phân tích, tổng kết các học thuyết đương thời cũng như thông qua kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình, để tìm ra con đường cứu nước và tìm tòi một mô hình xã hội mới cho dân tộc. Đó là con đường của chủ nghĩa cộng sản để xây dựng một xã hội dân chủ và quyền làm chủ lớn nhất của nhân dân Việt Nam là quyền làm chủ đất nước mình.

Những nhân tố chủ quan thuộc về phẩm chất cá nhân của Nguyễn Ái Quốc, nhiều tác giả trong nước và nhiều chính khách, nhiều nhà hoạt động văn hoá – xã hội nước ngoài với các dân tộc tộc và quốc tịch khác nhau đã nói đến và có nhiều ý kiến khá sâu sắc. Nhưng chúng ta nhận thấy, hẳn chưa có một công trình nghiên cứu nào được coi là đầy đủ về “con người Hồ Chí Minh”, không chỉ trên bình diện nhà chính trị, nhà văn hoá mà còn là nhân cách của – một vĩ nhân.

Có bao nhiêu nhà cách mạng Việt Nam cũng xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn để tìm đường cứu nước và cũng đều tiếp cận với tư tưởng dân chủ tư sản dưới các hình thức khác nhau, nhưng họ đã không tìm được con đường cách mạng chân chính để giải phóng dân tộc khỏi sự đô hộ của thực dân, đế quốc, v.v… thì chính Hồ Chí Minh đã tìm ra được mục tiêu, lý tưởng cách mạng đúng đắn và con đường để đi đến mục tiêu, thực hiện lý tưởng ấy. Sự vĩ đại của trí tuệ Hồ Chí Minh, trước hết là một con người sống có hoài bão, có tinh thần yêu nước nước, thương dân sâu sắc, nhất là đối với những người cùng khổ bị áp bức bóc lột,; có bản lĩnh kiên định, có khí tiết kiên cường trong đấu tranh thực hiện mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn.

Trí tuệ Hồ Chí Minh còn thể hiện ở tư chất thông minh, sắc sảo, nhạy bén vơi cái mới, ham học hỏi; có tư duy độc lập sáng tạo; có trí tuệ uyên bác, kiến thức sâu rộng, biết nhiều ngoại ngữ, do đó Người có điều kiện tiếp xúc với văn hoá của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới. Chính vì vậy, cùng với sự tiếp cận với những giá trị mới của thời đại – nền dân chủ tư sản, những nhà ái quốc Việt Nam trước Hồ Chí Minh đã ngộ nhận tính ưu việt của nền dân chủ tư sản, vận dụng nó một cách rập khuôn, máy móc trong phong trào dân tộc và đã thất bại. Còn ở Hồ Chí Minh trên hành trình cứu nước với những trải nghiệm thực tiễn, đã biết làm giàu trí tuệ của mình bằng vốn trí tuệ của thời đại, nhưng điều quan trọng là Người đã thấy được những mặt trái của nền dân chủ tư sản – nền dân chủ không thể đáp ứng được được những yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam cũng như xu hướng phát triển tất yếu của thời đại. Đó là tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Người cộng với đầu óc phê phán tinh tường, sáng suốt trong việc nghiên cứu, tìm hiểu các cuộc cách mạng tư sản hiện đại, không để bị đánh lừa bởi cái hào nhoáng bên ngoài.

Đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, mà đã có bước phát triển mới, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác – Lênin trên một loạt những vấn đề và cấp bách của dân tộc và thời đại nhằm đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng, cả trong cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Không chỉ ở Việt Nam mà còn góp phần vào phong trào cách mạng trên thế giới.

0 nhận xét :