Chào mừng bạn đến với Weblog daoduythanh!

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Vận dụng tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân

Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, là một yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đó cũng là quá trình kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh trong việc bảo đảm thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng dân chủ chủ và văn minh.

Để thực hiện mục tiêu đó, Đảng ta đã đề ra đường lối xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước - yếu tố trung tâm của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước, mở rộng dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và quản lý nhà nước, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực.

1. Đặt vấn đề:

Một trong những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, về bản chất là xây dựng Nhà nước do dân, vì dân và quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Cơ sở lý luận và thực tiễn để đảng ta đề ra đường lối xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay ở nước ta là gì và làm thế nào để bảo đảm thật sự tôn trọng quyền làm của nhân dân?

1. Nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước, đó là một phương thức, mô hình tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước trên cơ sở đề cao vai trò của pháp luật và quyền con người và phải quản lý xã hội bằng pháp luật.

Xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân thực hiện quyền lực của Nhà nước là quyền lực của nhân dân là yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cụ thể ở Việt Nam hiện nay.

2. Xuất phát từ thực trạng tổ chức, hoạt động của nhà nước ta còn nhiều khiếm khuyết, yếu kém, chưa thực sự là nhà nước tuân thủ pháp luật và thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật. Bộ máy nhà nước ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh; tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu còn nghiêm trọng, chưa được ngăn chặn; hiệu lực quản lý điều hành còn chưa nghiêm; kỷ cương xã hội bị buông lỏng làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.

3. Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đã được chính thức ghi nhận trong các văn kiện của Đảng, được thừa nhận của Hiến pháp. Tuy nhiên, đây là một quá trình lây dài, phức tạp; đòi hỏi chúng ta phải kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và trên cở sở kinh nghiệm thực tiễn xây dựng Nhà nước xã hội chủ chủ nghĩa Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

2. Khái quát tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ chủ yếu là những tư tưởng khi Người bàn về vấn đề nhà nước và nhất là nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đó là những vấn đề, Người nêu ra những câu hỏi và cũng tự mình trả lời dưới các hình thức khác nhau: “Dân chủ là như thế nào?” và Người lại tự trả lời: “Là dân làm chủ”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do dân làm chủ”, chế độ ta là chế độ dân chủ. Theo nghĩa chung nhất, tức là nhân dân làm chủ.

Hồ Chí Minh cho rằng nội dung căn bản nhất về khái niệm dân chủ - Demoskratos - quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Theo đó, trong khái niệm dân chủ, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vấn đề nhà nước, để khẳng định nội dung chính trị của dân chủ. Về vấn đề này, C.Mác cũng đã nói: “Trong chế độ dân chủ thì bản thân chế độ nhà nước hiện ra là một trong những quy định, cụ thể là sự tự quy định của nhân dân” và nó “ngày càng hướng tới cơ sở hiện thực của nó, tới con người hiện thực, tới nhân dân hiện thực và được xác định là sự nghiệp của bản thân nhân dân”. Xét theo phương diện chính trị, thì Lênin cũng cho rằng nội dung của khái niệm dân chủ: “dân chủ là một phạm trù thuộc lĩnh vực chính trị”. Tuy nhiên, Lênin cũng giải thích thêm: “Nhưng mặt khác, chế độ dân chủ có nghĩa là chính thức thừa nhận cho mọi người được thừa nhận quyền bình đẳng giữa những người công dân, thừa nhận cho mọi người được quyền ngang nhau trong việc xác định cơ cấu nhà nước và quản lý nhà nước”.

Hồ Chí Minh khẳng định nội dung chính trị khi xem dân chủ là một hình thức nhà nước, một thiết chế xã hội và quyền lực thuộc về nhân dân. Trong đó, bản chất của chế độ dân chủ XHCN là phục vụ con người phục vụ xã hội trên tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lênin. Vì, theo C.Mác và Ph.Ăngghen thì: “Chế độ dân chủ xuất phát từ con người và biến nhà nước thành con người được khách thể hóa… không phải nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước”, phù hợp với ý chí, hành động và lợi ích của quần chúng nhân, của nhân dân. Đó không có gì khác là nhà nước là nước do dân và vì dân.

Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh không chỉ giới hạn về vấn đề nhà nước, mặc dù thông qua nhà nước đã chỉ rõ quyền làm chủ của nhân dân về việc thiết lập hệ thống chính chính trị để “bầu ra đại biểu thay mặt cho mình thi hành chính quyền”, “cử ra” chính quyền các cấp và “tạo ra” các đoàn thể, v,v…mà còn cho chúng ta thấy vấn đề nhà nước mà là cả hệ thống chính trị, nhà nước chỉ là một bộ phận của dân chủ. Bởi, Hồ Chí Minh xem chế độ nhà nước kể cả nhà nước kiểu mới (Nhà nước vô sản - XHCN), cũng chỉ là một yếu tố tồn tại của xã hội, hoặc là một hình thức tồn tại đặc biệt của nhân dân, nhưng không bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh, một vấn đề mang tính độc đáo, riêng biệt khi Người đề cập đến vấn đề đạo làm người. Theo Người, dân chủ là giá trị của nhân loại, là sản phẩm của nền văn minh, là kết quả tất yếu của quá trình đầu tranh tự giải phóng con người và giải phóng xã hội. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh đã từng nêu lên một khái niệm là lý tưởng dân chủ như là tiêu chí của sự phát triển xã hội. Trong đó, một nguyên tắc, một công thức, một chìa khoá đảm bảo cho nhân loại thiết lập một nền hòa bình thế giới dựa trên nền tảng dân chủ và bình đẳng giữa các dân tộc. Đó là: “Hòa bình - một nền hòa bình chân chính xây dựng trên công bằng và lý tưởng dân chủ phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc, màu da”. Trên cơ sở đó, Người thường xem xét sự phát triển dân chủ đặt trong quan hệ so sánh giữa chế độ về dân chủ cũvà dân chủ mới.

Nghiên cứu tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh và nhất là vấn đề dân chủ mới của Người trên cơ sở xem xét bản chất của dân chủ phải coi dân chủ là một phạm trù chính trị theo ba nguyên tắc phương pháp luận mà Lênin đã chỉ ra trong việc giải quyết mối quan hệ giữa chính trị – kinh tế, với quan hệ giai cấp và sự tham gia của nhân dân vào sự hoạt động của nhà nước. Trong đó, mối quan hệ với kinh tế thì chính trị là sự biểu hiện tập trung nhất của kinh tế. Điều này, không chỉ phản ánh vai trò của cơ sở kinh tế với nhà nước là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, mà còn nói lên tính chất, trình độ về sự hoàn thiện của nhà nước với tính cách là nền dân chủ sẽ tương ứng với tính chất và trình độ của một nền kinh tế xã hội nhất định. Theo nghĩa đó, trong xã hội có giai cấp, thì khái niệm chính trị phản ánh về quyền lực nhà nước giữa các giai cấp khác nhau, chứ không đồng nhất với quyền lực xã hội. Mặc dầu, tính chất và trình độ dân chủ được đặt ra trong quan hệ trực tiếp với chính trị, phản ánh mối quan hệ giữa quan hệ sản xuất thống trị với tư tưởng xã hội, thiết chế xã hội tương ứng. Nhưng vấn đề cốt lõi, khi xem xét thước đo trình độ dân chủ của một chế độ xã hội, nhất là xã hội hiện đại là sự tham gia của nhân dân vào công việc của nhà nước và xã hội. Đặc biệt, trong nền dân chủ mới – dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Hồ Chí Minh, coi bản chất của nền dân chủ mới phải thể hiện được tính nhân dân của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thông qua phương thức tổ chức hệ thống chính trị - đó là xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Trong đó, nhân dân với vai trò là người chủ, người làm chủ. Theo nghĩa đó, một vấn đề lý luận và thực tiễn cần phải làm rõ về các khái niệm: Nhân dân là ai? Họ là những bộ phận của xã hội và thực chất vai trò của họ trong xã hội được thể hiện trong xã hội như thế nào?

Xuất phát từ những quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử về đặc trưng của nhà nước, nhất là đặc trưng về việc thiết lập quyền lực công cộng đối với xã hội và đặc trưng về nhà nước quản lý dân cư trên một vùng lãnh thổ nhất định. Trong đó, dấu hiệu về mặt lãnh thổ còn được thể hiện chủ quyền quốc gia về tính hợp pháp của nó trong quan hệ quốc tế của các nhà nước hiện đại. Hồ Chí Minh quan niệm bản chất dân chủ mới của nhà nước xã hội chủ nghĩa có cơ sở giai cấp là: “Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân, tức là của các giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Bốn giai cấp ấy do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy công nông liên minh làm nền tảng, đoàn kết các giai cấp dân chủ và các dân tộc trong nước để thực hành dân chủ chuyên chính”.

Với tư tưởng nhất quán trên, Hồ Chí Minh đã chỉ ra cơ chế thể hiện bản chất của nền dân chủ mới là: Đảng lãnh đạo - Nhân dân lao động làm chủ - Nhà nước dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù. Về vấn đề chuyên chính vô sản, mặc dù theo Hồ Chí Minh đây không phải là nhiệm vụ cơ bản nhất của nền dân chủ mới, nhưng chỉ có thể xây dựng, phát triển và giữ gìn được nền dân chủ mới thì phải trấn áp sự phản kháng của kẻ thù, kẻ thù của nhân dân. Vì vậy, “Dân chủ cũng cần phải cùng chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ”. Người còn giải thích một cách rõ ràng: “Chế độ ta là chế độ dân chủ nhân dân; chúng ta cần mở rộng dân chủ với nhân dân, đồng thời cần phải tăng cường chuyên chính với kẻ địch của nhân dân. Có tăng cường chuyên chính với kẻ địch thì mới bảo vệ được tự do và dân chủ của nhân dân ta”. Theo nghĩa đó, dân chủ đi liền với kỷ cương và tuân thủ luật pháp.

Tóm lại, tư tưởng về nền dân chủ mới của Hồ Chí Minh là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, do nhân dân làm chủ thông qua hệ thống chính trị với các tổ chức xã hội rộng rãi của nhân dân để bảo đảm thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân.

3. Vận dụng tư tưởng dân chủ của Hồ chí Minh trong việc bảo đảm thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân

3. 1. Dân là chủ và dân làm chủ

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “nước ta là nước dân chủ”, “dân làm chủ và dân là chủ”. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là thắng lợi của khát vọng dân chủ. Thật vậy, từ các tác phẩm và đặc biệt là hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể khẳng định toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, kiên định của Người là cả một quá trình đấu tranh nhất quán, quên mình, có tính dấn thân để khẳng định trong đời sống xã hội mang tính nguyên lý mà Người sớm nhận ra bản chất của nhà nước: nhân dân là người chủ xã hội. Dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân là bản chất và cũng là qui luật hình thành, phát triển và tự hoàn thiện của nhà nước ta.

Bằng trí tuệ, nghị lực phi thường và tình yêu nước, thương dân, Hồ Chí Minh luôn đặt mình ở vị trí của các chiến sĩ tiên phong đấu tranh cho các lý tưởng chân chính cao đẹp của thời đại mới: thời đại của các dân tộc bị áp bức, nô dịch, các giai cấp cần lao bị bóc lột và chủ nghĩa xã hội bước lên vũ đài chính trị đấu tranh vì giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, vì độc lập, tự do, giành quyền làm chủ vận mệnh của mình, khẳng định vị trí chủ nhân trong đời sống xã hội chỉ có nhân dân là chủ.

Về vấn đề “Dân là chủ”, có nghĩa là để khẳng định vị thế, tư cách xã hội của một chủ thể xã hội rộng lớn là nhân dân và đồng thời cũng để nói lên quyền của chủ thể đó đối với một khách thể, đối tượng, ở đây là xã hội, “nước ta”, “nước nhà”. Tuy nhiên, cần có sự phân biệt, nhận ra khoảng cách giữa tư cách, địa vị “chủ nhân” của dân với trạng thái “dân làm chủ” trên thực tế của đời sống xã hội.

Trong tư duy và trong hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến sự khác biệt, đến khoảng cách nhiều khi rất lớn này giữa tư cách “dân là chủ” với trạng thái “dân làm chủ” xét về hình thức và bản chất của nền dân chủ. Bởi vì, thực tế lịch sử phát triển của nhân loại đã cho thấy sự khác biệt về chất này. Đó là chủ thực sự hay giả dối và làm chủ trên thực tế và chủ trên danh nghĩa.

Trong suốt cuộc đời đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân, là kết quả của một cuộc khảo nghiệm sàng lọc lịch sử có tính chất vừa là sự kế thừa mang tính chất phê phán những thành tựu của trí tuệ và văn minh nhân loại. Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh vừa là sự từ bỏ, khắc phục, vượt lên trên những hạn chế của chính những giá trị về dân chủ trong lịch sử, nâng chúng lên bằng sự bổ sung, làm sâu sắc thêm nội dung đích thực, giá trị chân chính của dân chủ. Đó không có gì khác, là sự khẳng định trên thực tế quyền của dân là chủ và quyền làm chủ của nhân dân.

Nếu dân chủ là giá trị cao nhất của nhân dân, thì nhân dân là qúy báu nhất của của đất nước, của “nước nhà” – “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”. Với ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh đều xem xét và giải quyết một cách khoa học từ bản chất của nhà nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, có thể thấy Người đặt lên hàng đầu yêu cầu “làm cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ” và cũng rất đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng cách nói “hưởng” để chỉ một nội dung rất cơ bản của quyền dân chủ, thể hiện địa vị “là chủ” và “quyền làm chủ” của nhân dân.

Ngay từ năm 1945, Người đã đề cập đến vấn đề này như là một vấn đề nguyên tắc thuộc bản chất của chế độ ta: “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Cũng chính vì vậy, vào những năm cuối đời, Người đã nói đến một thực tế như là một trăn trở khôn nguôi: Làm sao cho dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm.

Từ những trăn trở trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể hiểu vì sao trong ngôn từ của Người “tự do, hạnh phúc”không vang lên một cách chung chung, trừu tượng mà gắn liền với ngôn ngữ thật bình dị, đời thường, nhưng rất cụ thể là khát vọng là ham muốn và đây là ham muốn tột bậc của Người: “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, hoặc khái niệm “chủ nghĩa xã hội” của Người cũng bao hàm tấm lòng thiết tha đó: “Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do”. Hơn nữa, theo Người là chìa khoá vạn năng để giải quyết các nhiệm vụ của xã hội. Người viết: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa”. Đồng thời, Người chỉ ra ý nghĩa, tác dụng “chìa khoá vạn năng” của thực hành dân chủ. Trên tinh thần đó, Người nhắn gửi các nhân viên, cơ quan chính quyền các cấp phải làm tốt hơn nữa những gì có thể làm được để nhân dân dược hưởng hạnh phúc, mặc dù nước nhà còn nhiều khó khăn. Người viết: “Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà là được hết. Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm đó”.

Hồ Chí Minh nói đến việc “nhân dân hưởng hạnh phúc, tự do, ăn no, mặc ấm…” thì “hưởng” ở đây hoàn toàn không bao hàm nghĩa như là một thứ ân huệ do được ban tặng của nhà nước, của chính phủ, của những người có quyền có chức mà đó còn là quá trình tự xây dựng, đóng góp của chính nhân dân để khẳng định cái quyền được hưởng đó. Trong suốt cuộc đời đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân, Người còn không ngừng giác ngộ, làm cho mọi người nhận thức như mình về tư tưởng “tự lực cánh sinh”, “việc ta phải cố gắng lo…”, “công nông mình cứu lấy mình”, “đem sức ta mà giải phóng cho ta…”. Đây chính là điểm mấu chốt để phân biệt “dân là chủ” và “dân làm chủ”. Song một vấn vấn đề có tính nguyên tắc để “dân làm chủ”, phải có những điều kiện, mà điều kiện tiên quyết có tính tiền đề là cuộc đấu tranh kiên dũng của nhân dân vì độc lập, tự do phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – Người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Để thực hiện quyền làm chủ, nhân dân không những phải có quyền mà điều cũng rất quan trọng là nhân dân phải có khả năng, năng lực làm chủ. Và đây cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: “Muốn làm chủ được tốt, phải có năng lực làm chủ”, và “Làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”

Có thể nói, ngay từ đầu cách mạng thành công và trong suốt thời gian về sau Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấy được tầm quan trọng về sự cần thiết bồi dưỡng sức dân thực hiện quyền làm chủ bằng cả một quốc sách được triển khai trên quy mô rộng trong phạm vi cả nước – công cuộc nâng cao dân trí, bồi dưỡng dân khí – những nhân tố hàng đầu hình thành “năng lực làm chủ” của nhân dân, dân chủ thật sự. Người thấy được ý nghĩa sâu xa căn bản của các cải cách xã hội đến việc bồi dưỡng sức dân, xây dựng nền dân chủ. Người nói: “Chúng ta phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện dân chủ thực sự”. Đồng thời, Người không thoả mãn với các cải cách xã hội, xem đó như những biện pháp duy nhất bồi dưỡng sức dân, bồi dưỡng năng lực làm chủ, mà Người đòi hỏi phải bao quát, toàn diện và phải rất cụ thể; nhưng nó lại có khả năng vận dụng thành công trong thực tiễn xã hội.

Đối với tất cả các vấn đề, dù thuộc về đường lối, chủ trương hay chính sách, sách lược hay chiến lược tùy theo những điều kiện lịch sử của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đều quan tâm đến lợi ích của nhân dân để noí đến quyền làm chủ của nhân dân. Thật vậy, quyền dân là chủ, dân làm chủ, dù đó là vấn đề độc lập, tự do của Tổ quốc hay vấn đề xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá, vấn đề an ninh – quốc phòng hoặc ngoại giao và dù trong từng sự kiện, hiện tượng có tính riêng biệt, cụ thể, Người cũng đều nhìn nhận, xem xét từ phạm trù dân chủ, lợi ích của nhân dân, dân là chủ và dân làm chủ.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, vấn đề quyền làm chủ của nhân dân phải được thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng trước hết và quan trọng nhất là làm chủ về kinh tế. Không làm chủ về kinh tế, thì theo lẽ tự nhiên nhân dân không thể làm chủ các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Nhưng làm thế nào để nâng cao quyền làm chủ của nhân dân và nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa? Theo chúng tôi, phát triển kinh tế – xã hội là cơ sở để nâng cao quyền làm chủ của nhân dân, tức là phải coi vấn đề lợi ích, bảo đảm lợi ích thiết thực của nhân dân là mục đích, động lực của sự phát triển xã hội.

Như trên đã nói, dân chủ hóa ở nước ta có nội dung toàn diện, trong đó dân chủ hóa đời sống kinh tế là quan trọng và quyết định nhất. Chỉ với dân chủ hóa đời sống kinh tế được thực hiện và đem lại lợi ích cho người lao động, đảm bảo sự thống nhất lợi ích xã hội với lợi ích cá nhân, thừa nhận và tôn trọng lợi ích cá nhân, coi đó là động lực trực tiếp của sự phát triển xã hội thì dân chủ hóa trong các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa mới thực sự có ý nghĩa và phát huy được tác dụng tích cực đối với công cuộc đổi mới. Quyền làm chủ của nhân dân phải được thể chế hoá bằng pháp luật, thực thi bằng pháp luật. Tuy nhiên, năng lực làm chủ của nhân dân chỉ được nâng cao bằng nhiều biện pháp đồng bộ dưới nhiều hình thức khác nhau và cuối cùng phải được thể hiện trên thực tế, là dân chủ thật sự theo đúng tư tưởng về dân chủ của Hồ Chí Minh. Đây mới là bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và đồng thời nó thể hiện bản chất của nhà nước pháp quyền Việt Nam mà chúng ta đang xây dựng, là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Dân chủ thật sự là gì? Và làm thế nào để đi đến dân chủ thật sự theo quan điểm của Hồ Chí Minh và kế thừa phát huy tư tưởng dân chủ của Người trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay ở nước ta?

3. 2. Đi đến dân chủ thực sự

Trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh không chỉ một lần đề cập đến dân chủ với bổ sung tính từ “thực sự”, “thật sự”, “đầy đủ”… Chẳng hạn, tại Hội nghị nông vận và dân vận (năm 1953), trong lời phát biểu với Hội nghị, Người khẳng định: “Nước ta phải đi đến dân chủ thật sự”. Người sử dụng cụm từ này trong nhiều trường hợp, khi đề cập đến dân chủ trong những hoàn cảnh khác nhau. Điều đó, cũng thể hiện một quan niệm nhận thức nhất quán về tính chất, bản chất của dân chủ và đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Người về thực trạng của nền dân chủ mà chúng ta theo đuổi và xây dựng.

Từ năm 1953, trong khuôn khổ của một giai đoạn cách mạng Việt Nam – giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ, Người nói đến “dân chủ thực sự” với nội dung thực hiện cách mạng ruộng đất, giải phóng nông dân khỏi ách áp bức, bóc lột của phong kiến địa chủ, tức là đề cập đến phạm trù “dân chủ thực sự”. Tuy nhiên, ý nghĩa nhận thức luận của khái niệm này lại có tính phổ biến rộng rãi và sâu sắc hơn. Bởi vì, một mặt Người bổ sung tính từ “thực sự” bên cạnh khái niệm “dân chủ” khi đề cập đến trạng thái dân chủ trong xã hội Việt Nam ở những năm đầu của thập niên năm mươi; mà ở đây, Người nói đến “dân chủ thực sự” là Người gián tiếp đối lập nó với một thứ dân chủ chung chung, chưa thực sự hoặc không thực sự như là dân chủ hình thức. Do đó, nhân dân ta có đủ điều kiện thật sự tham gia quản lý Nhà nước”. Người lại nói: “Chúng ta phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện dân chủ thực sự”.

Luận điểm trên cho thấy, chỉ có thể thực hiện dân chủ thực sự khi đời sống nhân dân được đảm bảo và không thể nói tới dân chủ và thực hành dân chủ khi nhân dân chưa được đảm bảo về cơm ăn, áo mặc và học hành. Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển kinh tế - xã hội là một điều kiện hàng đầu để thực hành và phát triển dân chủ trên thực tế, dân chủ thật sự. Điều đó lý giải tại sao trong mọi điều kiện, Hồ Chí Minh luôn luôn kêu gọi nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và chỉ ra rằng, “tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm là hai việc cần thiết nhất phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội”. Người thường dùng câu châm ngôn “Có thực mới vực được đạo” để giải thích mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với việc thực hành và phát triển chế độ dân chủ ở nước ta.

Những luận điểm trên đây của Hồ Chí Minh có ý nghĩa phương pháp luận sâu sắc. Nó chỉ ra đời sống của nhân dân là thước đo của dân chủ và phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống nhân dân là xây dựng môi trường cho thực hành và phát triển dân chủ một cách thật sự và thật đầy đủ. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, sự tồn tại của các thành phần kinh tế không tránh khỏi những mâu thuẫn trong quá trình phát triển. Do vậy, việc đặc biệt chú trọng phát triển thành phần kinh tế nhà nước, làm cho thành phần kinh tế này nắm vai trò lãnh đạo nền kinh tế đất nước, như chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, là sự định hướng xã hội chủ nghĩa đối với sự phát triển kinh tế, đồng thời cũng là sự định hướng cho xây dựng môi trường thực hành và phát triển dân chủ ở nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “thực sự”, “thật sự” phải là một thuộc tính, một dấu hiệu không thể thiếu của nền dân chủ của xã hội ta và khi đề cập đến pháp luật và vai trò của pháp luật, Người xem pháp luật của nhà nước ta là pháp luật thực sự dân chủ, “vì nó bảo vệ quyền tự do dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động”. Nhưng dân chủ thật sự, đó không phải là một thứ có sẵn của bất kỳ nền dân chủ nào trong lịch sử mà là hệ quả của đấu tranh xã hội, của những cải cách xã hội sâu sắc.

Vấn đề đặt ra, dân chủ thực sự ở nước ta, trước hết là thuộc về bộ phận dân cư đông đảo nhất là nhân dân lao động ở nông thôn. Người viết: “Bao giờ ở nông thôn nông dân thực sự nắm chính quyền, nông dân được giải phóng thì mới là dân chủ thực sự”. Và “thật sự dân chủ” trở thành yêu cầu, một định hướng phải đạt tới của các hình thức sinh hoạt của xã hội: Hiến pháp “…phải thực sự đảm bảo nam nữ bình quyền và dân tộc bình đẳng, v.v”. Trong tác phẩm Xây dựng con người của xã hội chủ nghĩa, Người viết: “Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, “ra lệnh, ra oai”.

Ngày nay, khi Đảng ta chủ trương thay đổi cơ cấu kinh tế nhằm phát huy mọi tiềm năng của lực lượng sản xuất ở mọi ngành, mọi vùng, tạo ra sự tăng trưởng bền vững kết hợp với thực hiện công bằng xã hội là tạo môi trường kinh tế - xã hội cho thực hành dân chủ. Thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội, làm giảm sự phân cực giàu nghèo, xây dựng xã hội ổn định, công bằng, văn minh sẽ là môi trường tốt để hình thành và phát huy ý thức làm chủ của mỗi công dân, động viên sức mạnh toàn dân, xây dựng đất nước, nhằm thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thật vậy, trong xã hội ta, “thật sự dân chủ” trở thành một điều kiện, một thứ thước đo thực chất của chính quyền. Người viết: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa”. Hơn nữa, Người cũng chỉ ra ý nghĩa, tác dụng “chìa khoá vạn năng” của thực hành dân chủ. Người kết luận: “thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết được mọi khó khăn”, qua đó, Người nói rõ tầm quan trọng tầm quan trọng của phát huy dân chủ: “Nhà nước ta phát huy dân chủ đến cao độ đó là do tính chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân. Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”. Người còn viết: “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến” và “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau”.

Vấn đề là ở chỗ, trong điều kiện xã hội cần bước phát triển mới, cần phải vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát động các phong trào dân chủ trong cả nước, ở các lĩnh vực, nhằm luôn tạo ra một trạng thái tinh thần mới của dân tộc để thúc đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh. Phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa bằng chính các phong trào dân chủ thông qua hoạt động của nhân dân là quá trình hiện thực hành dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Mở rộng dân chủ là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết để khai thác sức mạnh vô tận của nhân dân, trong sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập với thế giới. Cải tạo xã hội, đưa xã hội tiến lên phải bằng chính sức mạnh của mình, sẽ chẳng có phép màu nào làm được điều đó, trừ nhân dân dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Thực tế hơn gần 30 năm đổi mới đã chứng minh điều đó. “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”. Vì vậy, Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu: phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; dân chủ thực sự. Nó là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết được mọi khó khăn. Đây phải là một thuộc tính cơ bản của nền dân chủ của chế độ ta, nó xa lạ với thứ dân chủ trừu tượng, dân chủ hình thức.

Để thực hiện được dân chủ, một điều kiện cơ bản mà Hồ Chí Minh thực hành triệt để là: mọi chủ trương, đường lối thuộc tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội … phải được xem xét và giải quyết từ địa vị người làm chủ và quyền làm chủ của người dân; đồng thời phải không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của người dân; tạo điều kiện vật chất và văn hoá để người dân nâng cao năng lực làm chủ: nâng cao văn hoá, văn hoá chính trị, tính tích cực công dân, mở mang kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, khuyến khích nhân dân tham gia giám sát công việc của các cơ quan nhà nước, từ cơ sở đến trung ương.

Để phát huy dân chủ phải kết hợp chặt chẽ với tăng cường pháp chế, thực hiện quản lý xã hội chủ nghĩa bằng pháp luật, theo pháp luật. Nhà nước ta phải tiếp tục thể chế hoá bằng pháp luật các quyền dân chủ của người dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong hoạt động kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, bảo đảm mỗi công dân đều bình đẳng trước pháp luật để đem lại niềm tin cho nhân dân vào tính nghiêm minh pháp luật.
_________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. C. Mác: Góp phần phê phán triết học pháp quyền Hêghen, Nxb. Sự thật, H, 1997.
2. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tâp, Nxb Sự thật, H.1978.
3. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, tập 33, M, 1979.
4. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, tập 42, M, 1976.
5. Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992(chỉnh sửa và bổ sung năm 2001, 2013).
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, 7, 8, 9, 10. Nxb Chính trị quốc gia, H, 1995, 1996, 2000.
7. Hồ Chí Minh, Về xây dựng con người mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995.
8. Hồ Chí Minh, Những sự kiện, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội 1987.



0 nhận xét :