Tạ Hữu Yên từng hồn nhiên tâm sự với báo
giới rằng, ông đặt "chỉ tiêu" cho đời mình là phải có 150 bài thơ được
phổ nhạc. Đến khi ông giã biệt cuộc sống, "chỉ tiêu" ấy đã được vượt
qua. Tuy nhiên, công bằng mà nói, trong làng thơ Việt Nam, ngoài cái
"duyên âm nhạc", Tạ Hữu Yên chưa phải là tác giả có vị trí thật nổi
trội. Ông có cách nhìn đời ấm áp, đôn hậu mà thiếu những quan sát sắc
cạnh, có thể nâng lên thành những triết lý độc đáo, có tầm khái quát...
Theo thông tin được chính tác giả thừa nhận thì tới hết năm 2012, Tạ Hữu Yên đã có trên 160 bài thơ được phổ nhạc. Không chỉ là con số, nhiều bài trong đó thực sự là những ca khúc hay, được phổ biến rộng rãi (mà chỉ cần nhắc đến tên bài hoặc vài ba câu mở đầu là ai cũng nhớ), như ca khúc "Đất nước": "Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/ Nghe dịu nỗi đau của mẹ/ Ba lần tiễn con đi/ Hai lần khóc thầm lặng lẽ…"; ca khúc "Đôi dép Bác Hồ": "Đôi dép đơn sơ/ Đôi dép Bác Hồ/ Bác đi từ ở chiến khu Bác về"; ca khúc "Đường lên hạnh phúc": "Nào bên nhau cầm tay/ Đi lên đường hạnh phúc/ Ta ca lên tương lai/ Trong tiếng chim gọi bầy"; ca khúc "Cảm xúc tháng Mười": "Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường"; ca khúc "Nhớ giọng hát Bác Hồ": "Một ngày vui/ Theo tay Bác/ Cháu hát vang/ Bài "Kết đoàn"… Tất cả những bài được nhắc tới trên đã được tác giả đưa vào "Tuyển tập Tạ Hữu Yên" (do NXB Văn học ấn hành năm 2007, đúng năm ông tròn 80 tuổi), ở phần "Thơ phổ nhạc", dày trên 40 trang. Điều đáng nói là trong những ca khúc nhắc tới trên, ngoại trừ ca khúc "Đất nước" đã được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn viết thêm phần lời 2, còn thì các nhạc sĩ giữ gần như 100% lời thơ của Tạ Hữu Yên. Tạ Hữu Yên từng chia sẻ: "Những bài thơ đúng niêm luật, có vần điệu, nhạc sĩ người ta dễ tìm thấy sự đồng cảm ở đó, và giai điệu được cất thành lời".
Nhà thơ Tạ Hữu Yên đã từ trần tại Viện Quân y 108, Hà Nội vào ngày 30/5/2013. |
Nói chung, khuynh hướng cảm xúc của Tạ Hữu Yên là nhất quán. Nó xuyên suốt từ những ngày đầu ông cầm bút cho tới hôm nay. Đó là khuynh hướng gắn với cộng đồng, quan tâm tới số đông và được thể hiện, chuyển tải qua những hình thức quen thuộc.
Tạ Hữu Yên là một nhà thơ đi nhiều, viết khỏe. Nửa thế kỷ cầm bút, ông đã cho ra mắt bạn đọc hơn 50 đầu sách và hàng nghìn bài báo. Ông cũng là người cho "xuất xưởng" nhiều châm ngôn, câu đối vào các dịp lễ, tết. Những năm cuối đời, mặc dù sức đã xuống nhiều song ông vẫn miệt mài làm việc. Ngoài làm thơ, ông tăng cường viết ký, viết sách tư liệu. Cuốn sách xuất bản gần nhất của ông là cuốn "Võ Nguyên Giáp - Vị Đại tướng văn võ song toàn".
Mặc dù đạt được những thành tựu đáng ao ước trong sự nghiệp, và là một tấm gương lao động đáng kính trọng, song những ai một lần tiếp xúc với Tạ hữu Yên đều quý ông ở sự hồn hậu, khiêm tốn. Trong cuốn "Tuyển tập Tạ Hữu Yên", có nhiều chỗ ông phát biểu hết sức nhún nhường. Ông tâm sự với bạn đọc ở "Lời dẫn" rằng, nếu ông "có một bài thơ nào đó, một hai câu thơ nào đó mà bạn đọc nhớ, bạn đọc khen "đọc được", thế đã là điều hạnh phúc với tác giả rồi". Ông từng làm thơ để răn mình: "Khiêm tốn bao nhiêu cũng thiếu/ Tự kiêu biết mấy cho vừa".
Nhà thơ Tạ Hữu Yên qua đời! Cá nhân tôi, nhớ tới ông tôi không sao quên được cảm giác ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được tiếp xúc với ông. Con người từng có cái bút danh nghe rất nặng ký khi làm thơ trào phúng - ấy là Cử Tạ - vậy mà ngoài đời hóa lại là người có vóc dáng khiêm tốn, thuộc loại “thấp bé nhẹ cân”. Từ cảm giác ấy, tôi đã đặt tên cho một bài viết nói về bút danh của ông cái tiêu đề "Tên lực sĩ, người nhẹ ký". Rất may là được ông và bạn bè ông… chấp thuận.
- Phạm Tuấn Đạt
0 nhận xét :
Đăng nhận xét